Cho thí điểm Grab – Uber, Bộ Giao thông Vận tải bị ‘tố’ có nhiều khuất tất

(Dân trí) - Thiếu kinh nghiệm, chủ quan, có vấn đề trong khâu thẩm định khiến đề án thí điểm ứng dụng gọi xe theo hình thức công nghệ Grab - Uber sau hơn 2 năm thí điểm bị doanh nghiệp taxi cho là đã để lại không ít hậu quả, hệ luỵ.


Cuộc chiến giữa taxi ứng dụng công nghệ kết nối và taxi truyền thống vẫn rất căng thẳng (Ảnh minh họa)

"Cuộc chiến" giữa taxi ứng dụng công nghệ kết nối và taxi truyền thống vẫn rất căng thẳng (Ảnh minh họa)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản giải trình trước đơn kiến nghị của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) gửi tới Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành chức năng.

Thí điểm kéo dài, hệ lụy nghiêm trọng

Trong đơn kiến nghị của mình, Vinasun “tố” 3 nội dung được cho là chứa nhiều khuất tất trong đề án thí điểm gọi Grab – Uber. Cụ thể, doanh nghiệp này cho rằng Quyết định số 24 ngày 7/1/2016 cho phép triển khai thí điểm hình thức vận tải hợp đồng điện tử của Bộ Giao thông vận tải có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thẩm định, phê duyệt đề án để lại nhiều hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng.

Theo Vinasun, trước và trong suốt quá trình thí điểm, Sở Giao thông Hà Nội và TP HCM đã liên tục khuyến cáo tình trạng gia tăng lượng xe, gây ùn tắc giao thông và tình trạng không kiểm soát được các phương tiện vận tải. Thế nhưng, các kiến nghị đó đã không được lưu tâm mà ngược lại còn được các cơ quan chức năng, chuyên môn lý giải thí đểm thì không cần khống chế số lượng. Trong khi đó, theo Vinasun, hai hãng Grab – Uber liên tục thực hiện chương trình khuyến mãi, thưởng tài xế để chiêu mộ lái xe.

Cũng theo Vinasun, chính vì “thái độ” của nhà chức trách nên Grab và Uber đã kết nối ngân hàng giúp lái xe vay tới 90% giá trị xe để có thể tham gia mạng lưới. Chính vì thế chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng xe cá nhân đã tăng chóng mặt, phủ kín đường, nhiều hơn số lượng xe taxi chính thống trước nay vẫn bị giới hạn theo quy hoạch.

Điều đáng nói là, sau khi chiếm lĩnh thị trường, hai hãng này đã tiến hành siết thưởng lái xe, tăng phí sử dụng phần mềm từ 20% lên 25% và hiện tại là 28%. Tăng phí nhưng các tài xế vẫn không thể dừng mà vẫn phải chạy xe để kiếm sống trả nợ ngân hàng.

Còn phía các công ty taxi chính thống cũng bị giảm số lượng khách, giảm đầu xe, nhiều doanh nghiệp không đủ trả lương nhân viên, đóng bảo hiểm cho người lao động. Kết cục dành cho cả doanh nghiệp, tài xe taxi truyền thống lẫn Grab – Uber đều rất bi đát, ảnh hưởng đến đời sống việc làm của hàng trăm người lao động cả nước. Minh chứng rõ nhất là việc Grab thâu tóm Uber…

Những "hợp tác xã giấy"

Theo Vinasun, kể từ khi thí điểm mô hình taxi công nghệ, Việt Nam đã hình thành hàng loạt “hợp tác xã giấy” để đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải. Bởi, Quyết định 24 yêu cầu chỉ có doanh nghiệp vận tải, hợp tá xã vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng mới được phép tham gia thí điểm.

Chính vì điều này mà chỉ trong vòng 2 năm, hàng loạt hợp tác xã được dựng lên để hợp thức hoá yêu cầu kể trên. Thậm chí có hợp tác xã có số lượng xã viên lên tới 12.000 sở hữu số lượng xe đông hơn cả công ty lớn nhất thành phố. Các xã viên này không hề quản lý phương tiện mà cỉ cung cấp dịch vụ giấy tờ.

“Điều đáng nói là các xã phiên chỉ phải nộp một khoản phí hằng năm là được cấp phù hiệu xe hợp đồng để chạy Grab – Uber và HTX không phải lý nhân thân, hành trình phục vụ khách hàng, nghĩa vụ thuế, bảo hiểm của lái xe. Các xã viên là lái xe cũng không có quan hệ gì với Hợp tác xã, không có nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi gì với HTX…”, Vinasun nhấn mạnh.

Hệ luỵ thứ 2 theo Vinasun là tình trạng Nhà nước thất thu thuế. Bởi, chỉ trong vòng 2 năm đã có khoảng 50.000 xe ô tô dưới 9 chỗ tham gia mạng lưới đối tác Grab – Uber. Với 50.000 xe chạy trên đường, gấp 1,5 lần số lượng xe taxi của cả Hà Nội và TP HCM song nghĩa vụ thuế của hai hãng kể trên và các hợp tác xã lại rất ít. Cụ thể, năm 2014-2016, giai đoạn này, Grab có doanh thu 1.755 tỷ đồng theo số liệu của Tổng cục Thuế nhưng chỉ nộp 9,5 tỷ đồng bằng 1/130 số thuế mà Vinasun đóng góp trong cùng thời gian.

Ngoài lỗ hổng về thuế, theo Vinasun, sự có mặt của Grab, Uber kéo theo hệ luỵ là đẩy doanh nghiệp Việt đến bên bờ vực phá sản, không đủ khả năng đóng thuế, thực hiện nghĩa vụ chính sách với người lao động; gây áp lực lên giao thông, hạ tầng, tiềm ẩn nhiều về nguy cơ an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, Vinasun cũng cho rằng, việc gia hạn thí điểm đề án cùng với việc không xem Grab – Uber là doanh nghiệp kinh doanh vận tải hay việc trình duyệt, thẩm định, báo cáo Chính phủ của Bộ Giao thông Vận tải cũng có nhiều khuất tất cần được làm rõ.

H.Anh

Cho thí điểm Grab – Uber, Bộ Giao thông Vận tải bị ‘tố’ có nhiều khuất tất - 2