1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Đồng thuận” tăng bội chi do hụt thu ngân sách

(Dân trí) - Ngân sách hụt thu, đề xuất nâng trần bội chi lên 5,3% GDP của Chính phủ đã nhận được sự “đồng thuận” của số đông đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, để khắc phục tình trang nguồn lực ngân sách phân bổ dàn trải, Chính phủ cần rà soát triệt để tiết kiệm chi.

Sáng nay 2/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014.

Nguồn lực ngân sách dàn trải, lãng phí

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013 được Quốc hội quyết định với mức phấn đấu khá cao. Tại kỳ họp cuối năm 2012, Quốc hội quyết định giao dự toán thu nội địa tăng 14,4%, thu từ xuất nhập khẩu tăng 10% so với ước thực hiện năm 2012. Cùng với chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế đã làm giảm số thu NSNN ngay trong năm khá lớn.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Vì vậy, sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu NSNN cả năm ước không đạt dự toán thu cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN. Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán.

Thẩm tra về tình hình thu chi ngân sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành thực hiện dự toán chi NSNN và cho rằng, trong bối cảnh thu NSNN giảm khá lớn nhưng chi NSNN về cơ bản vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ hai vấn đề.

Thứ nhất, trong khi thu NSNN giảm nhiều nhưng chi đầu tư phát triển vẫn tăng; phân bổ, bố trí vốn xây dựng cơ bản chưa khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực. Vẫn còn nhiều dự án triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao; còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị thiếu kiên quyết trong cắt, giảm đầu tư công; khởi công dự án mới trái quy định.

Thứ hai, qua giám sát thực tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, một thực trạng là việc ban hành nhiều chế độ, chính sách mới làm tăng chi NSNN, song chưa cân đối với nguồn lực NSNN; một số chế độ, chính sách chi an sinh xã hội triển khai chậm hoặc khi trình Quốc hội phê chuẩn dự toán chi NSNN nhưng chưa xác định rõ đối tượng thụ hưởng dẫn đến dư chi NSNN, có khả năng tăng số chi chuyển nguồn lớn sang năm sau. Một số chính sách, chế độ hỗ trợ cho các địa phương còn bất cập, cần được điều chỉnh hợp lý hơn.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (ảnh: Việt Hưng).
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (ảnh: Việt Hưng).

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội về tình hình hụt thu ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng: Do chúng ta miễn, giảm, giãn thuế theo tiến độ tích cực để khoan sức dân, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp nên riêng lĩnh vực này giảm khoảng 16.600 tỷ đồng trong năm nay. “Ngoài ra còn do doanh nghiệp khó khăn quá, chưa năm nào tình trạng nợ đọng thuế lại đột biến như năm nay, một phần có thể do doanh nghiệp thiếu vốn nên nảy sinh việc chiếm dụng nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp nợ đọng. Tất cả những cái này làm hụt thu khoảng 63.600 tỷ đồng và theo quy định, hụt thu buộc chúng ta phải cắt giảm chi tiêu (khoảng trên 13.000 tỷ). Dù đã cắt giảm chi tiêu nhưng cũng không đủ, vẫn còn khoảng trống nên phải tăng bội chi lên 5,3%.

Rà soát để tiết kiệm chi

Trong 1,5 ngày thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 và kế hoạch 2014, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự “đồng thuận” trong việc nâng trần bội chi từ m ức 4,8% lên 5,3% GDP.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) bày tỏ đồng tình với Chính phủ về việc tăng bội chi ngân sách cho phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 hoàn thành một số dự án lớn trọng điểm quốc gia và các dự án dở dang thiếu vốn đã được phê duyệt, vốn đối ứng ODA và xây dựng nông thôn mới

Tuy nhiên, trước thực tế số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động gia tăng; doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, hàng tồn kho tăng; thủ tục hành chính rườm rà, đại biểu Nguyễn Cao Sơn yêu cầu Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đồng bộ và hoàn thiện hơn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Chính phủ cần phân cấp cho địa phương thực hiện việc thẩm định nguồn vốn trước khi phê duyệt dự án.

Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, trong tình hình mất cân đối ngân sách, bên cạnh các giải pháp quyết liệt chống thất thu thì phải rà soát triệt để tiết kiệm chi. Theo đại biểu Minh, chi thường xuyên hiện đã chiếm khoảng 70% tổng chi ngân sách.

“Việc thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên là cần thiết, các cấp ngành đã nghiêm túc chấp hành việc thực hiện tiết kiệm nhiều khoản như chi hội họp, lễ tết, công tác phí sử dụng xe công… Tuy nhiên, chúng ta còn lãng phí rất lớn là do kết quả cải cách hành chính hạn chế đặc biệt, là do bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả”, đại biểu nói

Do đó, đại biểu Sơn kiến nghị cần sớm khắc phục tình trạng bộ máy cồng kềnh, bởi trong đó có bộ phận không nhỏ cán bộ công chức không đáp ứng được yêu cầu thì việc tiết kiệm chi thường xuyên chung 10% vô tình sẽ làm khó khăn thêm cho đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, làm việc trách nhiệm.

Riêng về bội chi ngân sách, đại biểu đề nghị Chính phủ có lộ trình cho cả 2 năm 2014 - 2015 còn lại của kế hoạch 5 năm. “Việc này liên quan đến nợ công, Chính phủ đề nghị năm 2014 bội chi ngân sách là 5,3% GDP, nợ công là 59,8% GDP. Vậy năm 2015 bội chi là bao nhiêu, nợ công ở mức nào, có an toàn không? Mặc dù theo báo cáo của Chính phủ nợ công vẫn an toàn những tôi rất băn khoăn khi thực tế gần đây đã phải phát hành trái phiếu chính phủ để đảm bảo”, đại biểu nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền
 
Tỷ phú Buffett và những lời đồn quanh núi tiền mặt 40 tỷ USD

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm