Chính phủ đề xuất nâng trần bội chi lên 5,3% GDP

(Dân trí) - Trong phiên khai mạc Quốc hội sáng nay 21/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội nâng trần bội chi năm 2014 lên mức 5,3% GDP, thay cho mức 4,8% GDP hiện nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội sáng nay 21/10 (ảnh: chinhphu.vn).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội sáng nay 21/10 (ảnh: chinhphu.vn).

Dành bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ

Sáng nay 21/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) và nhiệm vụ 2014 -2015. Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội xem xét chấp thuận mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 - 2014 là 5,3% GDP (thay cho mức 4,8% GDP hiện nay) và từ năm 2015 sẽ điều chỉnh giảm dần.

Với mức đề xuất này, nếu được chấp thuận, Chính phủ sẽ dành bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ, cùng với đó sẽ bảo đảm tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu chính phủ năm 2014 không thấp hơn năm 2013 để thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược và phục hồi tăng trưởng.

Cũng theo kế hoạch, Chính phủ sẽ phát hành thêm trái phiếu trong trần nợ công cho phép (65% GDP); Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm trong giới hạn an toàn. Chính phủ cũng sẽ sử dụng cổ tức từ các doanh nghiệp có cổ phần nhà nước chưa giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn (SCIC) để bổ sung vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong 2 năm 2013 - 2014.

Đề cập tới khả năng thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 do Quốc hội đề ra, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,4% (kế hoạch là 5,5%); Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 14,4% (kế hoạch là 10%); Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 0,4% (kế hoạch là khoảng 8%); Bội chi ngân sách nhà nước đạt 5,3% GDP (kế hoạch là 4,8%); Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7% (kế hoạch là khoảng 8%); Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 29,1% GDP (kế hoạch là khoảng 30%).

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các chỉ tiêu khác như: tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,8-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4% (kế hoạch là giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%); Tạo việc làm cho khoảng 1,54 triệu lao động, không đạt kế hoạch (kế hoạch là 1,6 triệu lao động); Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,48% (kế hoạch là dưới 4%); Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%, đạt kế hoạch…

Theo đánh giá củaThủ tướng, trong tổng số 15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2013, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch là: tốc độ tăng trưởng GDP và tạo việc làm; 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP và tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP.

Tiếp tục thanh lọc các tổ chức tín dụng yếu kém

Đánh giá về tình hình kinh tế năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng cho rằng: Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, có mặt được tăng cường hơn. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lãi suất tín dụng giảm, tăng trưởng tín dụng đã có những chuyển biến khả quan. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định. Cán cân thanh toán có kết dư, bảo đảm nguồn cung ngoại tệ. Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo điều kiện tăng trưởng cho các tháng cuối năm 2013 và năm 2014. GDP cả năm 2013 tăng khoảng 5,4% so với năm 2012, đạt mục tiêu tổng quát đề ra là tăng trưởng cao hơn năm 2012 (5,25%)…

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận việc nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù có cải thiện so với năm trước, nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, lạm phát tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Nợ xấu chưa được giải quyết cơ bản. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Thị trường và sức mua tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn yếu. Thị trường chứng khoán phục hồi chậm. Thị trường bất động sản chưa có khả năng phục hồi trong ngắn hạn. Tiến độ thu ngân sách đạt thấp so với dự toán năm, ảnh hưởng đến cân đối của ngân sách các cấp…

Với những hạn chế này, thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp và khai thác có hiệu quả các cơ hội, các ưu đãi trong cam kết quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó, hạn chế phát sinh và đẩy nhanh xử lý nợ xấu.

Và một trong những điểm nhấn mà Chính phủ và các bộ, ngành sẽ thực hiện thời gian tới là tiếp tục đổi mới hệ thống ngân hàng trên cơ sở cơ cấu lại và tổ chức lại hệ thống ngân hàng theo Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015. Tiến hành thanh lọc, mua bán hoặc sáp nhập các tổ chức tín dụng có tình hình tài chính yếu kém. Tiếp tục hoàn thiện nghiệp vụ thị trường mở, hoàn thiện hệ thống thông tin và nâng cao chất lượng dự báo vốn khả dụng. Phát triển đồng bộ và lành mạnh hoá thị trường tiền tệ. Đẩy nhanh xử lý nợ xấu, phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Nguyễn Hiền