Đòn trừng phạt "chưa từng có" bắt đầu dội xuống Nga
(Dân trí) - Mỹ, EU, Anh và Canada vừa thống nhất ngắt kết nối các ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.
SWIFT là một doanh nghiệp độc lập có trụ sở tại Bỉ, hoạt động như một hệ thống nhắn tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Điều này có nghĩa các ngân hàng của Nga sẽ không thể giao dịch an toàn với các ngân hàng bên ngoài lãnh thổ nước Nga.
Ngoài ra, Mỹ và các nước trên cũng sẽ áp các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn ngân hàng trung ương Nga triển khai dự trữ quốc tế nhằm làm suy yếu các lệnh trừng phạt.
Việc ngắt kết nối với SWIFT là một phần trong các hình phạt leo thang của Mỹ và EU với Nga. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa quyết định ngân hàng nào sẽ bị cắt.
Chủ tịch Ủy ban EU Von der Leyen cho biết bà sẽ thúc đẩy khối "làm tê liệt tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga" để các giao dịch của họ bị đóng băng. Việc cắt một số ngân hàng thương mại của Nga khỏi SWIFT "sẽ đảm bảo các ngân hàng này bị ngắt kết nối khỏi hệ thống tài chính quốc tế và làm tổn hại đến các hoạt động của họ trên toàn cầu", bà nhấn mạnh.
"Việc cắt kết nối các ngân hàng sẽ ngăn họ thực hiện hầu hết các giao dịch tài chính trên toàn thế giới và chặn xuất khẩu và nhập khẩu của Nga một cách hiệu quả", bà nói thêm.
Trước đó, vào năm 2014, Iran cũng đã bị loại khỏi hệ thống SWIFT sau những phát triển đối với chương trình hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, theo AP, việc loại Nga khỏi SWIFT cũng có thể gây tổn hại cho các nền kinh tế khác, bao gồm cả Mỹ và Đức.
Theo AP, việc EU trừng phạt Nga thông qua SWIFT là một quá trình khó khăn vì kim ngạch thương mại của EU với Nga lên đến 80 tỷ euro, gấp khoảng 10 lần so với Mỹ. Đặc biệt, Đức không thích biện pháp này vì nó có thể ảnh hưởng nặng đến họ. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết: "Chúng tôi đang nỗ lực hạn chế thiệt hại tài sản của việc tách (Nga) khỏi SWIFT. Những gì chúng tôi cần là một hạn chế chức năng, có mục tiêu của SWIFT".