1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp Nhật mong Thủ tướng tháo gỡ khó khăn về nhập khẩu xe ô tô

(Dân trí) - Các doanh nghiệp Nhật Bản rất mong muốn Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng quan tâm xem xét giải quyết nhanh chóng các vấn đề doanh nghiệp hiện gặp phải như thủ tục nhập khẩu đối với xe ô tô, vấn đề đóng bảo hiểm xã hội đối với lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp FDI…

Đây là nội dung trao đổi của đoàn đại biểu Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản do ông Kuniharu Nakamura và ông Hideo Ichikawa, đồng Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế Nhật - Việt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây.

Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật mong Thủ tướng xem xét tháo gỡ khó khăn về thủ tục nhập khẩu ô tô vào Việt Nam
Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật mong Thủ tướng xem xét tháo gỡ khó khăn về thủ tục nhập khẩu ô tô vào Việt Nam

Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Đại sứ quán Nhật Bản cũng gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng, bày tỏ quan ngại về một số quy định mới với doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô tại Nghị định số 116/2017 vừa được ban hành và có hiệu lực giữa tháng 10/2017.

Theo VAMA và phía Đại sứ quán Nhật, một số quy định của Nghị định 116 có thể gây khó khăn cho DN, tốn kém chi phí, giá ô tô sẽ khó giảm, người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Cụ thể, tại điểm a, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 116 quy định, ô tô chưa qua sử dụng, khi tiến hành kiểm tra thử nghiệm, DN nhập khẩu phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.

Theo VAMA, yêu cầu mới này là vấn đề lớn đối với tất cả các thành viên, vì Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia.

Một số quốc gia áp dụng chính sách các nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể cấp Giấy chứng nhận này, nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam.

Cũng tại điểm a, Khoản 2, Điều 6 quy định, ô tô nhập khẩu mới phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm đối với từng lô. Mỗi lô xe nhập về sẽ phải lấy mẫu đem đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Như vậy, nếu xe có cùng kiểu loại, nhưng khác lô hàng nhau vẫn phải thử nghiệm lại. Quy định này không có ý nghĩa về mặt chất lượng, chỉ làm kéo dài thời gian thông quan và làm lãng phí chi phí của DN, xã hội.

Theo ước tính của VAMA, việc thử nghiệm 1 mẫu xe, có thể kéo dài tới 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD cho thử khí thải Euro 4. Ngoài ra còn đặt vấn đề lưu kho, cảng, bến bãi...

Với DN sản xuất lắp ráp ô tô, Nghị định 116 yêu cầu phải có đường chạy thử dài tối thiểu 800m, sẽ khiến nhiều DN đối mặt với khó khăn khi tìm đất để đầu làm đường thử mới hoặc đường thử mở rộng.

Bên cạnh VAMA, phía Đại sứ quán Nhật Bản cũng gửi thư đến Bộ Công Thương cho rằng các quy định được VAMA và các DN Nhật nêu trên gây bất bình đẳng đối với hoạt động nhập khẩu xe từ nước này.

Phía Nhật quan ngại, các quy định tại Nghị định 116 nêu trên xe nhập khẩu có thể bị đối xử kém ưu đãi hơn, so với xe lắp ráp trong nước. Việc kiểm tra về khí thải, tính an toàn, được thực hiện từng lô xe nhập khẩu, với mỗi loại xe ô tô, sẽ dẫn đến việc nhập khẩu bị đối xử kém ưu đãi hơn so với xe nội địa, về tần suất kiểm tra.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm