1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp: Dự thảo nghị định mới "đánh đố" nhà nhập khẩu ô tô

(Dân trí) - Dự thảo Nghị định về các điều kiện sản xuất và nhập khẩu ô tô vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến dư luận, chuyên gia và giới doanh nghiệp (DN) trước khi trình Thủ tướng thông qua đã gặp phải ý kiến trái chiều của phía DN.

Theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc: Nghị định này dù có tiến bộ nhiều về điều kiện nhập khẩu nhưng lại trói buộc về các quy định không thực sự cần thiết trong điều kiện bảo hành khi cấp phép cho DN nhập xe hoặc là căn cứ để thu hồi Giấy phép nhập khẩu xe.

Thông tư 20 "trá hình" vì phải mua phần mềm có "sở hữu trí tuệ"

Cụ thể, độ mở về điều kiện nhập khẩu, kinh doanh ô tô đã rất rộng so với Thông tư 20 trước đó khi đáp ứng các điều kiện như: Có cơ sở bảo hành đạt tiêu chuẩn của Việt Nam (hoặc thuê trong 3 năm); sau tháng 7 năm 2020 phải sở hữu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng.

Yêu cầu của Bộ Công Thương buộc DN phải có phần mềm đọc lỗi xe hơi từ nhà sản xuất được cho là nhiệm vụ bất khả thi của nhiều DN Việt
Yêu cầu của Bộ Công Thương buộc DN phải có phần mềm đọc lỗi xe hơi từ nhà sản xuất được cho là nhiệm vụ bất khả thi của nhiều DN Việt

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, quy định riêng về điều kiện bảo hành trong Dự thảo Nghị định này đã bê một phần về điều kiện bảo hành xe giống như trong Thông tư 20 từng gây tranh cãi trước đây. Vì vậy, nó giống như Thông tư 20 "trá hình".

Cụ thể tại mục b, Khoản 5, Điều 28 về Điều kiện cơ sở bảo hành: "Thiết bị chẩn đoán động cơ và tình trạng kỹ thuật của xe đối với ô tô có trang bị ECU điều khiển: a) Phù hợp với các loại xe cơ sở thực hiện bảo hành, bảo dưỡng; b) Phần mềm thiết bị chẩn đoán tuân thủ các qui định về sở hữu trí tuệ, được cung cấp bởi nhà sản xuất xe ô tô", trích Dự thảo Nghị định của Bộ Công Thương.

Định nghĩa trong ngành ô tô, ECU là bộ xử lý và điều khiển điện tử trung tâm thực chất là bộ máy tính điện tử tiếp nhận và xử lý các tín hiệu theo một chương trình định sẵn.

Theo các chuyên gia về ô tô, khi sửa chữa, bảo hành ô tô, cơ sở bảo hành sẽ đưa máy, thiết bị phần mềm để đọc lỗi động cơ, thiết bị điện tử của xe ô tô hoặc hộp đen ô tô để xác định lỗi, từ đó loại bỏ lỗi ở thiết bị điện tử.

"Doanh nghiệp thường đầu tư cái máy đọc phần mềm vài trăm triệu đến khoảng 1 tỷ đồng, nhưng nếu không mua được phần mềm đọc ECU có sở hữu trí tuệ từ nhà sản xuất, thì coi như cái máy bỏ đi", ông Tuấn cho hay.

Chỉ cần phần mềm chính hãng là đủ!

Ông Tuấn cho hay: Hiện nay trên thị trường và các nước phát triển, máy đọc lỗi ECU, bộ phận điện tử của ô tô có rất nhiều loại và rất nhiều loại phần mềm tương thích, có thể đọc được lỗi của ô tô với tính năng như nhau.

Chính vì vậy, chỉ cần máy đó chính hãng, phần mềm chính hãng - được quốc tế công nhận là được phép lưu hành, không cần đến sở hữu trí tuệ của các nhà sản xuất.

"Quan trọng là các DN nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa không xin hoặc mua được phần mềm sở hữu trí tuệ từ các nhà nhập khẩu, các hãng sản xuất vì họ chỉ bán cho nhà phân phối của mình. Đây là nhiệm vụ bất khả thi và nếu họ có bán thì cũng với mức giá đắt khiến DN Việt không thể mua được", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nhấn mạnh: Nếu các hãng xe không bán cho DN Việt Nam, trường hợp DN có đủ điều kiện vật chất để nhập khẩu, chỉ còn thiếu mỗi phần mềm sở hữu trí tuệ thì các Bộ Công Thương, Giao thông và Vận tải có hỗ trợ DN mua hay không?

Đại diện DN nhập khẩu ô tô bức xúc nói: Quy định DN nhập ô tô phải có phần mềm đúng quy định sở hữu trí tuệ không khác gì những quy định về bảo hành, bảo dưỡng, kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam đối với xe xuất xứ từ các nước phát triển như trong Thông tư 20 cả. Quy định này chẳng khác nào Thông tư 20 trá hình..

Nguyễn Tuyền