DNews

Doanh nghiệp, doanh nhân và tinh thần phụng sự cộng đồng

Khổng Chiêm Bích Diệp Mộc An

(Dân trí) - Doanh nghiệp cho rằng thực hiện trách nhiệm xã hội không phải như một khoản chi phí đơn thuần mà là hoạt động nâng cao giá trị của tổ chức. Trách nhiệm xã hội cần xuất phát từ cái tâm và tình cảm.

Doanh nghiệp, doanh nhân và tinh thần phụng sự cộng đồng

Những chia sẻ ấm lòng đồng bào trong mùa bão lũ

Bão Yagi - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9, tổng thiệt hại từ cơn bão ước tính trên 50.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, dân sinh bị hư hại.

Chung tay cùng đồng bào khắc phục hậu quả bão lũ, nhiều doanh nghiệp đã có các chương trình hỗ trợ thiết thực. Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động trao tặng 10.000 nồi cơm điện tới đồng bào các tỉnh miền Bắc bao gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái. Công ty cũng hỗ trợ nhân viên và gia đình của họ chịu ảnh hưởng trong trận bão lũ, đồng thời chuyển 5 tỷ đồng hỗ trợ vào quỹ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cán bộ nhân viên Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long đã tự nguyện trích ngày lương và tiền mặt, quyên góp trực tiếp 1 tỷ đồng đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM.

Quỹ Thiện Tâm của tập đoàn Vingroup cũng có nhiều hành động thiết thực. Tại Lào Cai, Quỹ hỗ trợ chi phí hoàn thành khu nhà tạm cho đồng bào Làng Nủ với ngân sách 2 tỷ đồng, đồng thời cung cấp đồ y tế cấp thiết cho thôn với trị giá gần 500 triệu đồng.

Về phần nông nghiệp, Quỹ phối hợp với Bộ Nông nghiệp mua hóa chất sát trùng, chế phẩm sinh học và vitamin cho vật nuôi trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Quỹ đã và đang tiếp tục khảo sát, đánh giá để có những hỗ trợ đúng và trúng nhằm giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống và phục hồi sản xuất.

Tập đoàn Vingroup và các công ty trong hệ sinh thái cũng công bố tài trợ 250 tỷ đồng cho đồng bào đang chịu thiệt hại do siêu bão Yagi và mưa lũ kéo dài. Nguồn tiền được phân bổ trực tiếp cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp như dựng lại khoảng 2.000 ngôi nhà bị sập đổ, hỗ trợ từ 150-300 triệu đồng cho các gia đình có người thiệt mạng, góp phần tái thiết cơ sở hạ tầng cũng như các công trình dân sinh… giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Hòa Phát và cán bộ nhân viên cũng cho biết đã dành 30 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại. Tập đoàn dự kiến thực hiện hỗ trợ bằng các hình thức như ủng hộ qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trao tiền mặt trực tiếp tới các gia đình khó khăn và hỗ trợ tái thiết, sửa chữa một số điểm trường tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 9 đến nửa đầu quý IV.

Ông Phùng Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần F88 - nói trước những mất mát mà bão Yagi gây ra, F88 chọn cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng dựa trên tính cách và thế mạnh của chính doanh nghiệp, đó là nhanh, thiết thực và trực tiếp. Đơn vị này triển khai các chuyến xe 0 đồng trung chuyển hàng, tổ chức quyên góp nội bộ để mua hàng thiết yếu, tặng sinh kế... 

Trách nhiệm xã hội đến từ cái tâm

Trả lời phóng viên báo Dân trí, ông Đoàn Văn Hiểu Em - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động - nói trách nhiệm xã hội xuất phát từ cái tâm và tình cảm với người dân, xã hội nói chung và đôi khi cũng chính là khách hàng của công ty. Trách nhiệm xã hội không liên quan đến quy mô doanh nghiệp hay giới hạn cụ thể trong một ranh giới nào cả.

Ông quan niệm những gì dành cho khách hàng, cho nhân viên không phải là chi phí, vì nó không bao giờ là phí. "Cái gì xuất phát từ trái tim, tự khắc trái tim sẽ chỉ cho bạn biết bạn nên làm gì trước những mất mát, tổn thất của đồng bào, xã hội mình", ông Hiểu Em bày tỏ.

Doanh nghiệp, doanh nhân và tinh thần phụng sự cộng đồng - 1

Thành phố Hạ Long hoang tàn, đổ nát sau bão Yagi (Ảnh: Nam Anh, Vũ Thịnh).

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát - khẳng định tập đoàn này gắn sự phát triển của mình với cộng đồng. Dù kinh doanh thuận lợi hay khó khăn thì Hòa Phát cũng đều đặn triển khai nhiều hoạt động từ thiện xã hội. Các chương trình tập trung vào 4 nhóm chính như y tế - giáo dục - giao thông và cộng đồng. Trong năm 2023, tập đoàn này dành hơn 30 tỷ đồng cho các hoạt động.

Nói với phóng viên báo Dân trí, ông Lý Quí Trung - Chủ tịch viện kinh doanh đương đại LQT, Giáo sư kiêm nhiệm ĐH Western Sydney và đồng sáng lập Phở 24 - cho rằng, doanh nhân, doanh nghiệp cần mang tinh thần phụng sự. Phụng sự cho khách hàng, cho người lao động, cho các cổ đông, cho cộng đồng, cho đất nước.

Ông Đỗ Cao Bảo - Ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT - cho rằng doanh nghiệp chính là những người tạo ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới; cũng chính là những người tạo ra mô hình kinh doanh, mô hình quản trị và xu thế tiêu dùng mới.

Nhờ áp dụng công nghệ mới nên doanh nghiệp đã tạo năng suất lao động cao hơn cho cả xã hội, tạo ra sự tăng trưởng đột phá bản thân công ty đó, tạo thêm rất nhiều công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia, của đất nước. 

Trải lòng về ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Bảo cho hay, trong mỗi doanh nhân có 2 đức tính tưởng như trái ngược nhưng lại hòa quyện chặt với nhau, đó là thực tế và lãng mạn.

Thực tế khi doanh nhân thực thi công việc và thực thiện kế hoạch kinh doanh, khi bám sát thị trường và người tiêu dùng để thấu hiểu nhu cầu, kể cả những nhu cầu tiềm ẩn mà người dùng chưa nói ra hoặc không nói ra.

Lãng mạn khi doanh nhân mơ ước, khi đặt ra tầm nhìn và sứ mệnh của công ty; dám đưa ra những ý tưởng kinh doanh đôi khi có vẻ điên rồ, ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Lãng mạn khi họ sáng tạo ra những câu chuyện đầy cảm hứng, đáng ngưỡng mộ nhất với hàng trăm, hàng nghìn cộng sự và có thể trở thành triệu phú USD chỉ sau có một đêm.