Sóc Trăng:
Doanh nghiệp đang chật vật vì dịch, Sóc Trăng tăng mạnh giá xử lý nước thải
(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản cho rằng việc tăng giá xử lý nước thải trong khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Sóc Trăng thời điểm dịch Covid-19 còn phức tạp khiến khó khăn chồng chất khó khăn.
Từ ngày 6/9, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp An Nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, họ rất bức xúc khi Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng ban hành quyết định tăng giá xử lý nước thải, gây khó khăn cho doanh nghiệp vốn đã "èo uột" trong cơn lốc của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Khu công nghiệp An Nghiệp được xem lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, nơi có rất nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản đang hoạt động.
Ngày 15/7, ông Phan Vĩnh Tùng - Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sóc Trăng - ký quyết định ban hành giá dịch vụ thoát nước thải tạm thời trong khu công nghiệp An Nghiệp.
Cụ thể, giá dịch vụ thoát nước thải tạm thời là 12.005 đồng/m3, áp dụng đối với nước thải có mức hàm lượng COD từ 2.000 mg/lít đến 2.300 mg/lít. Thời gian áp dụng 6 tháng, kể từ ngày 1/8.
Quyết định điều chỉnh giá xử lý thoát nước thải này đã bị các doanh nghiệp phản ứng gay gắt.
Ông Võ Văn Phục - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam - cho biết, chủ đầu tư nhà máy xử lý nước thải trong Khu công nghiệp An Nghiệp được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng thường xuyên than lỗ và đòi tăng giá thoát nước thải.
"Chủ đầu tư muốn tăng giá nhiều lần nhưng chúng tôi không chịu, bởi lúc này doanh nghiệp đang vất vả cầm cự cho qua đại dịch Covid-19. Việc tăng giá ở mức 5-15% có thể chấp nhận được, sau khi hết dịch đàm phán tăng tiếp. Nhưng đây họ quyết định tăng giá đến trên 30% là quá đột ngột. Nếu họ hoạt động không hiệu quả, chúng tôi mua lại hoặc xin thuê đất để xây thêm một nhà máy xử lý nước thải, tránh tình trạng quá tải và độc quyền nhưng chưa được chấp nhận" - ông Phục cho biết.
Đồng quan điểm trên, một lãnh đạo nhà máy chế biến thủy sản khác cho biết nên có lộ trình tăng giá từng giai đoạn, không nên tăng bất ngờ và cao như vậy, nhất là khi các doanh nghiệp đang đương đầu với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
"Trước đây, giá xử lý nước thải chỉ 8.980 đồng/m3, giờ tăng lên trên 12.000 đồng/m3. Với việc tăng giá mạnh như vậy, mỗi năm doanh nghiệp của chúng tôi phải tốn thêm trên 2 tỷ đồng tiền xử lý nước thải" - vị lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta - cho biết trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp cần san sẻ với nhau.
"Quan trọng là sau khi tăng giá thu dịch vụ, chủ đầu tư cần sớm đầu tư thiết bị, mở rộng quy mô, nâng công suất xử lý, đảm bảo không quá tải như từng xảy ra và nhất là chất lượng nguồn nước trước khi thải ra môi trường phải đạt yêu cầu" - ông Lực đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Trong - Giám đốc Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng - cho rằng việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ thoát nước trong Khu công nghiệp An Nghiệp là hợp lý.
Theo ông Trong, Công ty cổ phần kỹ thuật môi trường Kỷ Nguyên đã đầu tư 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong Khu công nghiệp An Nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, tuy đã qua 3 kỳ tăng giá nhưng chưa lần nào điều chỉnh được.
"Nước thải của các nhà máy chế biến thủy sản trong Khu công nghiệp An Nghiệp có hàm lượng COD cao nhất nước, đều trên 2.000 ml/g. Theo quy định mới, các khu công nghiệp phải xử lý nước thải đạt cột A, thay vì cột B như trước đây.
Do vậy, chi phí xử lý nước thải trong khu công nghiệp An Nghiệp khá cao, trong khi giá thu dịch vụ nhiều năm qua thấp hơn trung bình của nhiều khu công nghiệp trên cả nước. Chúng tôi đã đề xuất Sở Tài chính điều chỉnh giá thu phí xử lý nước thải cho phù hợp" - ông Trong nêu lý do.
Trước thông tin trên, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết sẽ kiểm tra thông tin Sở Tài chính có quyết định điều chỉnh tăng giá dịch vụ thoát nước thải tại Khu công nghiệp An Nghiệp.