Doanh nghiệp bán vàng lãi lớn

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Lợi nhuận của PNJ và DOJI đã lập đỉnh trong năm 2022, vượt mức 1.000 tỷ đồng. Còn doanh thu của SJC cũng cao nhất trong 10 năm qua.

Giá vàng đang là tâm điểm trên thị trường đầu tư khi liên tục biến động trong thời gian vừa qua, nhất là 2 tuần gần đây. Đỉnh điểm ngày 26/12, giá vàng miếng được ghi nhận ở mức 79-80,3 triệu đồng/lượng, đạt mức cao nhất trong lịch sử.

So với đầu năm, mỗi lượng vàng miếng tăng hơn 13 triệu đồng, tương đương mức tăng gần 20% - cao gấp 4 lần gửi tiết kiệm ngân hàng.

Trong bối cảnh giá vàng nhiều biến động, nhất là vào giai đoạn cuối năm, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 11. Theo đó, doanh thu đạt 3.111 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 199 tỷ đồng, tăng 31%.

Tính chung 11 tháng, doanh thu thuần giảm hơn 5% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận tăng gần 6%, lần lượt đạt 29.495 tỷ đồng và 1.732 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trung bình đạt 18,3%, cao hơn mức 17,4% cùng kỳ năm trước.

Với kết quả này, công ty thực hiện gần 83% chỉ tiêu doanh thu và hơn 89% kế hoạch lợi nhuận năm.

Doanh nghiệp bán vàng lãi lớn - 1

Vàng 24k tăng về doanh thu và tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu (Nguồn: PNJ).

Trong cơ cấu, doanh thu từ bán vàng 24K có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 13,8% so với cùng kỳ. Còn lại, các mảng kinh doanh sỉ, lẻ hay mặt hàng khác đều giảm hoặc tăng ít hơn.

Vàng 24K cũng chiếm tỷ trọng 30,7% trong cơ cấu doanh thu, tăng 5,1 điểm % so với cùng kỳ năm trước và là mặt hàng duy nhất có mức tăng đáng kể như vậy.

Trước đó, năm 2022, PNJ đã đạt mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất lịch sử, lần lượt là 33.876 tỷ đồng và 1.811 tỷ đồng. Lập đỉnh về hiệu quả kinh doanh, công ty còn vượt trên 30% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Trong 4 năm liền (2019-2022), doanh nghiệp kinh doanh vàng do bà Cao Thị Ngọc Dung làm Chủ tịch HĐQT đều có lợi nhuận vượt 1.000 tỷ đồng.

Cùng hoạt động trên thị trường kinh doanh vàng và đá quý, Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI ghi nhận lợi nhuận gần 154 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Số liệu báo cáo lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy tại ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của DOJI đạt gần 6.441 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ tăng từ 1,95 lần lên 2,05 lần, tương ứng tổng giá trị nợ phải trả trên 13.200 tỷ đồng.

Năm 2022, công ty này lãi kỷ lục 1.017 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần năm trước.

Còn Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) hoạt động chính trong lĩnh vực mua bán vàng bạc, sản xuất vàng miếng, hàng trang sức, nhập khẩu vàng nguyên liệu và vàng miếng theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước.

Đến nay, SJC có số liệu báo cáo tài chính năm 2022. Doanh thu thuần đạt 27.154 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 48,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 11% so với năm trước. SJC cũng đã đạt doanh thu cao nhất kể từ 2013.

Tuy nhiên, mức tăng doanh thu của SJC chênh lệch lớn so với mức tăng của lợi nhuận qua các năm. Nguyên nhân chủ yếu ở chi phí giá vốn hàng bán của doanh nghiệp ở mức cao, năm 2022 chiếm tới 99% doanh thu.