Điều chưa từng có: Các Bộ, ngành đua nhau “trả lại” vốn ODA
(Dân trí) - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết: “Vốn ODA tính hết 9 tháng năm 2020 mới giải ngân đạt 24,8% dự toán. Lần đầu tiên có việc một số Bộ, ngành trả lại vốn ODA được giao”.
Thông tin này được cơ quan tài chính ngân sách (TCNS) của Quốc hội thẩm tra, đánh giá về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội - cho hay: Chi NSNN ước thực hiện tổng chi NSNN năm 2020 là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thu NSNN khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định.
Về chi đầu tư phát triển, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS cho biết, năm 2020, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong 9 tháng đầu năm thực hiện khoảng 57,2% so dự toán, dự ước cả năm là 495,36 nghìn tỷ đồng, tăng 24,76 nghìn tỷ đồng (tăng 5,3%) so với dự toán.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng việc chi đầu tư phát triển năm 2020 còn tồn tại một số vấn đề, đặc biệt là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.
“Đặc biệt là vốn ODA tính hết 9 tháng năm 2020 mới giải ngân đạt 24,8% dự toán. Lần đầu tiên có việc một số Bộ, ngành trả lại vốn ODA được giao” - ông Nguyễn Đức Hải nói và cho biết việc điều chuyển vốn đầu tư công còn chậm và chưa kiên quyết, cho đến nay, vẫn còn tình trạng giao vốn chưa hết, chưa đúng quy định của pháp luật.
Nguyên nhân của việc điều chuyển vốn đầu tư công chậm được ông Hải chỉ rõ do thủ tục giao vốn vẫn còn rườm rà, phức tạp, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công; nhiều dự án có ý nghĩa lớn đến phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua với tổng mức vốn đầu tư tối đa là 2.000.000 tỷ đồng. Trong giải ngân vốn đầu tư công còn những tồn tại, hạn chế.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết tiến độ của một số dự án trọng điểm còn chậm; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chi đầu tư và chi thường xuyên. Trong khi đó tình trạng lãng phí, thất thoát, chất lượng công trình thấp trong đầu tư và xây dựng chưa được xử lý triệt để.
Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động ảnh hưởng từ những biến động của tình hình kinh tế chính trị, kinh tế thế giới, người đứng đầu Bộ KH&ĐT nhận định vấn đề chủ quan là thể chế pháp luật về đầu tư công, chất lượng quy hoạch còn thấp; chất lượng cán bộ, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư ở một số nơi còn hạn chế, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức.