Có tiền mà không tiêu nổi, nhiều Bộ xin trả hàng nghìn tỷ đồng vốn ODA
(Dân trí) - Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng qua phần mềm quản lý ngân sách (Tabmis) của Bộ này đã xuất hiện đề nghị trả lại kế hoạch vốn của nhiều Bộ do không tiêu hết hoặc dự toán chi sai.
Sáng 25/6, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài năm 2020. Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra khá nhiều vấn đề giải ngân đầu tư công các dự án vay lại hoặc dự án đã được cấp phát vốn nhưng chậm triển khai.
Cụ thể, về phía các cơ quan bộ, ngành, Bộ Tài chính cho biết đang xuất hiện tình trạng các Bộ đề nghị trả lại kế hoạch vốn trong 6 tháng qua.
Đơn cử, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị hủy 1.808 tỷ đồng/3.638 tỷ đồng dự toán vốn của bộ này để chuyển cho các bộ và địa phương khác.
Cùng đó, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học KHCN Hà Nội do dự án này không thể giải ngân theo kế hoạch.
Đáng nói, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao sai dự toán cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng 16 tỉnh tham gia "Dự án Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2" vay ADB từ nguồn chi theo cơ chế tài chính trong nước sang ghi thu ghi chi nên đến nay vẫn chưa thể giải ngân.
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 24/6, hệ thống Tabmis cho biết, các Bộ, ngành đã nhập dự toán vốn đạt 15.030 tỷ đồng, các địa phương là 33.256 tỷ đồng. Có 7/12 Bộ đã nhập và phân bổ 100% dự toán vốn vay nước ngoài, 4/12 Bộ đã nhập và phân bổ trên 70% dự toán; riêng Bộ NNPTNT nhập dưới 50% dự toán (do dự kiến hủy khoảng 50% dự toán).
Đối với các địa phương: 59/62 địa phương đã nhập và phân bổ trên 50% dự toán vay nước ngoài; 2/62 địa phương còn lại nhập và phân bổ dự toán đạt tỷ lệ dưới 50% so với dự toán được giao là Hà Nam (17,7%), Đăk Nông (42,2%). Riêng Hải Dương, theo thông tin trên hệ thống Tabmis chưa nhập, phân bổ dự toán được giao trước đó là 115,2 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Hồng Hà - Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM - cho biết thành phố này đang triển khai thực hiện 9 dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nước ngoài, tổng vốn của 9 dự án này là 122.500 tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp.
Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn ODA thấp là do thành phố đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án.
Các dự án tuyến Metro số 1 và Metro số 2 mới được phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, do vậy hai dự án này mới trong quá trình tổ chức đấu thầu và một số gói thầu đã bị hủy và tổ chức đấu thầu lại.
Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, do dịch covid-19 nên các thủ tục cho các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại TP.HCM chưa hoàn tất, thiếu các chuyên gia châu Âu và Nhật Bản trong nhiều gói thầu dự án.
Nguyễn Tuyền