1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Điện, xăng tăng giá đã “ngấm” vào lạm phát tháng 4

(Dân trí) - “Việc tăng giá xăng dầu, giá điện có ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong tháng” – đây là nhận xét được Tổng cục Thống kê đưa ra tại một báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 4/2019 vừa công bố gần đây.

Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục Thống kê, diễn biến của dịch tả lợn châu Phi tác động đến tâm lý người tiêu dùng và việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ là những yếu tố góp phần kiềm chế lạm phát.

Điện, xăng tăng giá đã “ngấm” vào lạm phát tháng 4 - 1

Giá điện và xăng dầu điều chỉnh tăng đã có tác động trực tiếp đến CPI tháng 4/2019

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2019 đã tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Trong mức tăng 0,31% của CPI tháng 4/2019 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 4,29%, chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 2/4/2019 và thời điểm 17/4/2019 (tác động làm CPI chung tăng 0,41%).

Giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019 theo Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương đã khiến chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,85% so với tháng trước; giá gas tăng 1,42%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,98%.

Bên cạnh đó, giá vé tàu hỏa tăng 2,76% do nhu cầu đi lại vào dịp nghỉ lễ Giỗ tổ và nghỉ lễ 30/4-1/5 cũng tác động đáng kể đến chỉ số giá của nhóm giao thông.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,6% ; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,06%; giáo dục tăng 0,05% do chỉ số giá nhóm sách giáo khoa tăng 0,76%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,57% và nhóm bưu chính viễn thông cũng giảm 0,07%.

Trong đó, lương thực giảm 0,39% chủ yếu do giá gạo xuất khẩu giảm; thực phẩm giảm 0,87% do giá hầu hết các mặt hàng trong nhóm giảm.

Giá thịt lợn giảm 3,07% so với tháng trước do người tiêu dùng còn e ngại dịch tả lợn châu Phi, chuyển sang dùng các loại thực phẩm khác thay thế. Cùng với đó, giá thủy sản tươi sống cũng giảm 0,18%; giá trứng gia cầm các loại giảm 1,33%; giá rau tươi giảm 0,93% và giá một số loại hoa quả tươi, chế biến giảm. Riêng giá thịt bò tăng 0,12%; giá thịt gà tăng 0,48%; giá thịt gia cầm khác tăng 1,35%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. CPI tháng 4/2019 tăng 1% so với tháng 12/2018 và tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 4/2019 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,88% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số giá vàng tháng 4/2019 giảm 0,5% so với tháng trước; tăng 2,78% so với tháng 12/2018 và giảm 1,27% so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2019 giảm 0,02% so với tháng trước; giảm 0,46% so với tháng 12/2018 và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2018.

Mai Chi