Chuyên gia: Lạm phát chịu sức ép lớn khi xăng dầu và điện tăng giá liên tiếp

(Dân trí) - Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, diễn biến của việc tăng giá xăng dầu thời gian gần đây sẽ khiến lạm phát năm 2019 chịu sức ép lớn và có thể tăng giá một số hàng hóa liên quan.

Theo Báo cáo Kinh tế Quý I/2019 của Viện CIEM, mặc dù Chính phủ đã rút đề xuất tăng khung trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên 8.000 đồng/lít song chỉ số giá tiêu dùng có thể chịu áp lực từ tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, tăng lương tối thiểu vùng, yếu tố bất định của giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu tại Việt Nam.

Chuyên gia: Lạm phát chịu sức ép lớn khi xăng dầu và điện tăng giá liên tiếp - 1

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lo ngại tăng giá liên tiếp của xăng dầu, điện thời gian qua gây sức ép lên lạm phát năm 2019

"Giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3/2019, có thể tác động lên mặt bằng giá chung. Mặc dù tính toán của Bộ Công thương, Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê cho thấy tác động của tăng giá điện lên mặt bằng giá không quá lớn", chuyên gia CIEM cho hay.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM, cho biết: Quý I/2019, Việt Nam vẫn phải xử lý không ít thách thức của kinh tế vi mô.

Ông Dương lấy ví dụ là tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật, tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực tế, các hướng dẫn và sửa đổi luật liên quan còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, phân tích: “Chính phủ, Thủ tướng thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ”.

Trước đó, cuối tháng 3/2019, giá điện được điều chỉnh tới 8,36%; gần đây giá xăng trong nước sau 2 kỳ điều chỉnh cũng tăng khoảng 12%, tương đương hơn 2.730 đồng/lít. Chỉ ba tháng đầu năm 2019, giá xăng dầu trong nước đã tăng tới 17%. Đây thực sự là yếu tố tác động cả từ tâm lý đến thực tế của doanh nghiệp và xã hội.

Về các cân đối lớn của kinh tế vĩ mô, theo báo cáo của CIEM kinh tế Việt Nam năm 2019, có nhiều việc cần làm để gia tăng dư địa phát triển, tăng trưởng.

Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, Việt Nam đang rất kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) để gia tăng lượng xuất khẩu trong thời gian tới, từ đó thu hút lượng vốn FDI vào Việt Nam để tăng trưởng GDP song đây là quá trình dài hơi và bản thân các nước EU cũng đang có nhiều vấn đề nội tại cần xử lý.

Ông Dương cho hay: Các nước EU đang phải xử lý nhiều vấn đề như Brexit, xử lý các hiệp ước thương mại với Mỹ, Nhật Bản nên một FTA với Việt Nam cho dù được kỳ vọng rất lớn từ Việt Nam hay một số nước EU nhưng chưa phải là chính sách mà các nền kinh tế EU đặc biệt quan tâm, đẩy sớm quá trình xem xét.

Hơn nữa, theo vị chuyên gia các vấn đề của kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và sản phẩm Việt Nam đang gặp phải trong quá trình hội nhập toàn cầu là hàng rào kỹ thuật, là tiêu chuẩn, quy chuẩn, là thương hiệu và chất lượng.

Đại diện CIEM cho hay, hiện Việt Nam cần sớm chuẩn bị, chủ động cho mình vượt qua các vấn đề trở ngại của hàng rào kỹ thuật trong CPTPP, trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã, đang ký và thực hiện. Đây là cơ sở để gia tăng giá trị xuất khẩu, lan tỏa thương hiệu Việt.

Nếu doanh nghiệp Việt không chủ động vượt rào cản kỹ thuật, hội nhập chỉ mang lại hiệu quả cho doanh nghệp FDI.

An Linh