1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chuyên gia: Tăng giá điện, xăng dầu không tạo nhiều áp lực lạm phát năm 2019

(Dân trí) - Mặc dù có nhiều lo ngại của dư luận, người dân về lạm phát năm 2019 có thể vượt kế hoạch, song các chuyên gia kinh tế đều tin vào chính sách của Chính phủ có thể điều hòa được và tăng giá điện, xăng dầu không tạo quá nhiều áp lực lên lạm phát năm 2019.

Tại Diễn đàn giữa các thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng với đại diện doanh nghiệp Việt đang diễn ra ở Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những lo ngại của dư luận xã hội về việc tăng giá xăng, dầu, điện - những mặt hàng đầu vào của ngành sản xuất, có thể khiến lạm phát cao quay trở lại.

Theo TS Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Tăng giá điện, xăng vừa qua đã được tính toán kỹ càng nên không tác động nhiều đến lạm phát.

Chuyên gia: Tăng giá điện, xăng dầu không tạo nhiều áp lực lạm phát năm 2019 - 1

TS Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Ông Phước cho rằng, hiện việc tăng giá điện, giá xăng dầu vừa rồi là nhằm thực thi lộ trình thị trường hoá các hàng hoá dịch vụ cơ bản. Giá xăng dầu tuy có điều chỉnh nhưng Chính phủ đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc tăng lúc nào, tăng bao nhiêu và có biện pháp gì để hoá giải tác động của việc tăng giá đó.

Về giá điện, việc tăng giá vừa qua có thể có tác động nhưng không nhiều đến CPI. Còn về giá nông sản lương thực thực phẩm do mặt bằng chung giá nông sản của thế giới cũng như Trung Quốc cũng ổn định không tăng. Giá một số hàng hoá, dịch vụ công như giáo dục, y tế… là tăng theo lộ trình, áp lực cũng không lớn.

Nhìn chung với các yếu tố bên ngoài và bên trong như thế, tôi cho rằng, chỉ tiêu lạm phát năm nay không bị áp lực lớn.

Ông Bùi Sỹ Tân, Phó TGĐ Công ty quản lý quỹ Vietcombank cho rằng: "Áp lực lạm phát sẽ lớn hơn trong các quý còn lại của năm nay, khi Chính phủ vừa điều chỉnh tăng giá điện lên 8,36% vào cuối tháng 3. Thêm vào đó, giá thịt lợn có thể sẽ tăng trong thời gian tới sau dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, áp lực này không ở mức lo ngại".

Trong khi đó, đánh giá về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, GS Trần Thọ Đạt, thành viên nhóm Tư vấn kinh tế của Thủ tướng quan tâm đến lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng ở Việt Nam, điều này chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng lớn.

Vị chuyên gia dẫn chứng, FDI tiếp tục gia tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 5,69 tỷ USD, thậm chí tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn FDI giải ngân trong 3 tháng đầu năm tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

"Điều ấy chứng tỏ Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài và hi vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục là một trong những động lực kinh tế quan trọng trong thời gian tới", GS Thọ Đạt cho biết.

Còn TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) ấn tượng với tăng trưởng của Việt Nam trong quý I.

Chuyên gia: Tăng giá điện, xăng dầu không tạo nhiều áp lực lạm phát năm 2019 - 2

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Ông Cung cho rằng: Quý I/2019, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam tương đối khá đạt 6,79% là mức có thể nói là cao nhất trên thế giới.

"Cách thức tăng trưởng có nhiều thay đổi, tăng trưởng của Việt Nam không dựa vào gia tăng tín dụng, cũng không phải dựa vào khai thác tài nguyên mà nhờ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh", TS Cung nhấn mạnh.

Theo ông này, ấn tượng thứ hai là trong lúc kinh tế thế giới có hướng suy giảm, tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng dương và có thặng dư thương mại.

An Linh