Đề xuất bất ngờ "chưa từng có" về giá điện!

(Dân trí) - Một trong những thông tin đáng chú ý nhất tuần qua chính là đề xuất của Bộ Công Thương lên Thủ tướng về điều chỉnh giá điện. Đáng nói, đó không phải là đề xuất tăng giá như thường lệ.

Giảm giá điện, tiền hỗ trợ dự kiến gần 11.000 tỷ đồng

Đề xuất bất ngờ chưa từng có về giá điện! - 1

Tổng số tiền hỗ trợ ước tính cho việc miễn, giảm tiền điện dự kiến khoảng 10.974 tỷ đồng

Trước tác động từ dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép miễn, giảm giá điện đối với một số đối tượng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất giảm giá đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4.

Theo đó, nhóm khách hàng dưới 300 kWh/tháng sẽ được hỗ trợ trên 10% tiền điện hàng tháng. Đây là các đối tượng chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Ước số tiền hỗ trợ khách hàng sinh hoạt là 2.930 tỷ đồng.

Ngoài điện sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng trình Chính phủ giảm giá điện sản xuất, kinh doanh; miễn, giảm giá điện cho các cơ sở phòng dịch.

Trong đó, để tạo điều kiện ngành du lịch sớm khôi phục sau khi hết dịch, Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch giảm từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng giá cho các hộ sản xuất, áp dụng từ tháng 4/2020.

Tổng số tiền hỗ trợ ước tính cho việc miễn, giảm tiền điện cho các đối tượng theo phương án Bộ Công Thương đưa ra dự kiến khoảng 10.974 tỷ đồng.

Điều khủng khiếp của ngành hàng không 

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã “lệnh” từ ngày 1/4, các hãng hàng không chỉ được khai thác 1 chuyến/ngày trên tuyến Hà Nội - TP.HCM; Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc và đường bay TPHCM - Đà Nẵng/Phú Quốc từ ngày 30/3/2020. Ngoài các đường bay này, toàn bộ các chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại đi/đến Hà Nội và TPHCM đều phải dừng lại.

Điều này đồng nghĩa với việc ngoại trừ Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc còn lác đác vài chuyến bay trong ngày thì 18 sân bay còn lại (bao gồm cả sân bay Vân Đồn) coi như “đóng cửa”, hoàn toàn không có hoạt động .

Mặc dù hơn 200 máy bay của Việt Nam đang phải “đắp chiếu” nhưng hãng hàng không vẫn phải chi trả vài trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ đồng mỗi tháng để duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, đậu đỗ…

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết các “kịch bản” ứng phó với Covid-19 được xây dựng giờ đều bị “phá sản”, đến nay không thể đưa ra đánh giá đầy đủ về tình hình, bởi chưa ai dám khẳng định khi nào thì dịch Covid-19 kết thúc.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, trong bối cảnh hiện nay, dù tình hình thế nào đi nữa thì việc phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu và ngành hàng không phải chấp nhận.

Doanh nghiệp sẽ “chết” nếu ngừng xuất khẩu gạo quá lâu?

Đề xuất bất ngờ chưa từng có về giá điện! - 2

Gạo nằm ở cảng càng lâu thì doanh nghiệp càng "khó sống"

Ông Nguyễn Long, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hơn 200.000 tấn gạo chưa thể xuất khẩu và đang lưu tại các bến cảng đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho các doanh nghiệp.

Mỗi ngày, một container gạo 25 tấn không xuất khẩu được sẽ khiến doanh nghiệp tổn thất khoảng 300.000 đồng cho chi phí lưu hàng tại cảng và nhiều chi phí phát sinh khác. Doanh nghiệp nhỏ thì mất vài chục triệu đồng/ngày, doanh nghiệp lớn thì mất hàng trăm triệu đồng/ngày.

Theo ông Long, nếu gạo xuất khẩu được thì doanh nghiệp vẫn phải chờ thêm khoảng 3 tuần mới nhận được tiền bởi doanh nghiệp phải chờ hàng di chuyển đến nơi, đối tác nhận hàng và ngân hàng chuyển tiền… Chính vì vậy, nếu càng kéo dài thời gian lưu hàng tại cảng thì doanh nghiệp càng dễ phá sản .

Do lo sợ việc ngừng xuất khẩu sẽ kéo dài nên các ngân hàng đang phong tỏa nguồn tiền của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp càng rơi vào tình trạng khó khăn. Trong khi đó, ngành gạo lại có biên độ lợi nhuận thấp và nguồn vốn vay lớn.

“Nếu chúng tôi không xuất khẩu được thì chúng tôi cũng không thể bán được ở nội địa. Vì đặc trưng ngành gạo là ai làm nội địa thì không xuất khẩu, còn ai làm xuất khẩu thì không làm nội địa hoặc làm rất ít. Doanh nghiệp không thể chuyển đổi thị trường ngay tức khắc được. Nếu “câu giờ” mãi thì chúng tôi chỉ có chết”, ông Long chia sẻ.

Xử lý hình sự các trường hợp găm hàng, tăng giá trong "đại dịch"

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 3/4, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly, không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ; đầu cơ, găm hàng, tăng giá , sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm, trục xuất người nước ngoài vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tăng tốc sản xuất trang thiết bị y tế, máy thở. Bộ Y tế phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tập huấn về điều trị, sàng lọc, chuẩn bị bệnh viện dã chiến; tăng tốc việc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị toàn thể nhân dân tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả các giải pháp cấp bách, nhất là về cách ly toàn xã hội, hạn chế đi lại, di chuyển, góp phần cùng cả nước đẩy lùi đại dịch.

Tổng cục Hải quan phản pháo vụ bị "tố" gây khó dễ

Đề xuất bất ngờ chưa từng có về giá điện! - 3

Tổng cục Hải quan khẳng định đang làm đúng quy định trước thông tin lực lượng này đang làm khó xuất khẩu khẩu trang

Tổng cục Hải quan cho biết, các biện pháp áp dụng của cơ quan hải quan đang thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan.

Cụ thể, tại Nghị quyết số 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.

Căn cứ vào quy định nêu trên, các mặt hàng khẩu trang không phải khẩu trang y tế thực hiện thông quan xuất khẩu theo quy định hiện hành, không cần giấy phép xuất khẩu.

Còn với khẩu trang y tế chỉ giải quyết thủ tục thông quan xuất khẩu khi có đủ các quy định như Khoản 1 của Nghị quyết số 20/NQ-CP nêu trên.

Đồng thời quy định của Bộ Y tế là "khẩu trang y tế phải đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu TCVN 8389-1:2010, TCVN 8389-2:2020, TCHQ 8389-3:2010 và đã có số lưu hành do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định”.

Trước đó, phía doanh nghiệp và Hiệp hội dệt may phản ánh cán bộ hải quan tại cửa khẩu khó phân biệt giữa khẩu trang y tế với khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang vải kháng khuẩn phải lấy mẫu gửi đi giám định nhiều nơi.

GS. Trần Văn Thọ có tặng 2000 máy trợ thở cho Việt Nam?

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, GS Trần Văn Thọ đánh giá: Việt Nam trước mắt cần sản xuất 2.000 chiếc máy trợ thở, rồi sau đó sẽ tăng lên 10.000 chiếc trong vòng 3 tháng tới.

Ông kể lại: "Tôi đã đến gặp anh Trần Ngọc Phúc (cựu du học sinh tại Nhật), người sáng lập công ty Metran chuyên sản xuất máy trợ thở cho người bị bệnh về đường hô hấp, để bàn về tính khả thi của đề án này".

"Rất may là Metran vừa phát minh một loại máy trợ thở nhỏ, dễ thao tác và giá thành thấp. Mừng là anh Trần Ngọc Phúc đồng ý chuyển giao công nghệ này về Việt Nam. Tôi gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 28/3 và ngày 29/3 Thủ tướng gọi điện thoại sang cho tôi (sang Nhật Bản - PV) nói rất tán thành đề án này và đề nghị giúp triển khai ngay".

Giáo sư Trần Văn Thọ hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản. Ông cũng là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Hiện ông đang sống và làm việc tại Nhật Bản.

Mai Chi

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm