“Đắp chiếu” hơn 200 máy bay, hàng không lo phá sản vì dịch Covid-19
(Dân trí) - Hiện Việt Nam có hơn 200 máy bay nhưng đang phải “đắp chiếu” trên đường lăn, sân đỗ. Nhà chức trách không đưa ra được dự báo tăng trưởng, sản lượng trong năm nay, thậm chí lo có hãng bị phá sản.
Điều khủng khiếp của hàng không
Hàng không là ngành kinh tế chịu tác động đầu tiên và trực tiếp từ dịch Covid-19, thiệt hại rất lớn khiến cho các hãng vận chuyển lao đao và rơi vào tình cảnh khủng hoảng lớn chưa từng có.
Những hình ảnh dễ nhận thấy ở các sân bay thời gian gần đây là tàu bay nằm la liệt trên sân đỗ. Riêng tại Nội Bài, những ngày qua, có khoảng hơn 90 tàu đang nằm sân vì không có chuyến bay, không có lịch bay.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã “lệnh” từ hôm nay (1/4) các hãng hàng không chỉ được khai thác 1 chuyến/ngày trên tuyến Hà Nội - TP.HCM; Hà Nội - Đà Nẵng/Phú Quốc và đường bay TPHCM - Đà Nẵng/Phú Quốc từ ngày 30/3/2020. Ngoài các đường bay này, toàn bộ các chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại đi/đến Hà Nội và TPHCM đều phải dừng lại.
Điều này đồng nghĩa với việc ngoại trừ Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc còn lác đác vài chuyến bay trong ngày thì 18 sân bay còn lại (bao gồm cả sân bay Vân Đồn) coi như “đóng cửa”, hoàn toàn không có hoạt động.
Theo thống kê từ Flightradar24 (ứng dụng theo dõi máy bay trực tiếp trên toàn thế giới - PV), trước đây mỗi ngày có khoảng 1.000 chuyến bay được khai thác trên trục Hà Nội - TPHCM, trong đó Nội Bài là sân bay đón lượng chuyến bay cao nhất xuất phát từ Tân Sơn Nhất với 486 chuyến/tuần và TPHCM cũng đón tới 489 chuyến bay/tuần từ Nội Bài.
Tuy nhiên, hiện tại, mỗi ngày chỉ có 8 chuyến bay (4 chuyến đi và 4 chuyến đến). Ngày 31/3, sân bay Nội Bài chỉ đón khoảng 1.000 khách đi/đến chặng Hà Nội - TP.HCM trong khi bình thường, con số này lên tới 20.000 khách.
Dừng bay vẫn phải chi “khủng”
Mặc dù hơn 200 máy bay của Việt Nam đang phải “đắp chiếu” nhưng hãng hàng không vẫn phải chi trả vài trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ đồng mỗi tháng để duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, đậu đỗ…
Đơn cử như đội bay Vietnam Airlines hiện có 108 chiếc, trong đó có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc Airbus 350. Mỗi tháng, tiền thuê, lãi ngân hàng của một chiếc “siêu máy bay” này rơi vào khoảng 1 triệu USD/chiếc, cả đội “siêu máy bay” là khoảng gần 30 triệu USD/tháng.
Với Vietjet, hãng đang có 75 tàu Airbus 320, Airbus 321 khai thác, ước tính khoản tiền mà Vietjet phải trả có thể lên tới 20 triệu USD/tháng. Điều này cũng không quá khó để ước số tiền mà Bamboo Airways phải chi trả cho đội tàu bay gồm 3 chiếc Boeing 787-9 và 20 chiếc máy bay thân hẹp mỗi tháng.
Ngoài chi phí thuê tàu (hoặc trả lãi vay), hãng hàng không còn phải trả cả tỷ đồng cho tiền đậu đỗ. Được biết, tiền đậu đỗ tại sân bay mỗi ngày của một chiếc Airbus 321 khoảng 1,6 triệu đồng, với dòng Boeing 787 là 4,16 triệu đồng. Như vậy, riêng tiền sân đỗ máy bay, mỗi tháng, Vietnam Airlines phải chi trên 6 tỷ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng.
Đứt mạch máu, lo phá sản
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết các “kịch bản” ứng phó với Covid-19 được xây dựng giờ đều bị “phá sản”, đến nay không thể đưa ra đánh giá đầy đủ về tình hình, bởi chưa ai dám khẳng định khi nào thì dịch Covid-19 kết thúc.
Cục trưởng Cục Hàng không thông tin, trước đây khi chỉ dừng khai thác mạng bay quốc tế, ngành hàng không “trông chờ” vào thị trường nội địa và mong muốn thay đổi được phần nào những thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Nhưng nay, thị trường nội địa cũng đã phải hạn chế tối đa, việc duy trì một số ít đường bay trọng điểm và mỗi hãng mỗi ngày chỉ khai thác 1 chuyến bay/ngày thì hi vọng cũng coi như hết, các hãng rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực.
“Không đánh giá được tăng trưởng, sản lượng khai thác hàng không trong năm nay cũng không thể dự báo được nữa. Bây giờ, việc tính toán không phải là thiệt hại bao nhiêu mà là cứu vãn được bao nhiêu. Thậm chí, chúng tôi còn lo lắng có thể có hãng không trụ được dẫn tới phá sản” - ông Thắng cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không, vấn đề lớn nhất của các hãng hàng không hiện nay là dòng tiền đã mất hết, không có dòng tiền về nên hãng không thể trang trải.
“Dòng tiền giống như mạch máu trong cơ thể con người, máu phải chảy thì mới sống được” - ông Thắng nói và nhấn mạnh lịch sử ngành hàng không Việt Nam chưa bao giờ rơi vào tình trạng khó khăn, bi đát như bây giờ.
Hiện nay, hơn 200 máy bay tại Việt Nam không thể khai thác và phải nằm la liệt ở các đường lăn, sân đỗ của các cảng hàng không. Trong khi đó, các hãng hàng không dù không sử dụng máy bay những vẫn phải trả tiền thuê và đóng nhiều loại thuế, phí.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho hay, các hãng hàng không đã có báo cáo gửi Cục Hàng không về tình hình hiện tại, Cục này đang tổng hợp để xem xét, báo cáo tới các cấp có thẩm quyền.
“Trong bối cảnh hiện nay, dù tình hình thế nào đi nữa thì việc phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu và ngành hàng không phải chấp nhận” - ông Thắng cho biết thêm.
Châu Như Quỳnh