Doanh nghiệp: Chúng tôi sẽ “chết” nếu ngừng xuất khẩu gạo quá lâu

(Dân trí) - Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo, họ đang bị tổn thất về kinh tế rất lớn do việc ngừng xuất khẩu gạo. Nếu việc này kéo dài thêm vài tuần nữa thì nhiều doanh nghiệp có khả năng phá sản.

Doanh nghiệp: Chúng tôi sẽ “chết” nếu ngừng xuất khẩu gạo quá lâu - 1

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp vô vàn khó khăn.

Gạo nằm ở cảng, mỗi ngày mất cả trăm triệu đồng

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo như đang “ngồi trên đống lửa” khi hàng trăm ngàn tấn gạo đang bị kẹt lại ở cảng, dòng tiền bị “đóng băng”. Doanh nghiệp không có tiền nên cũng không thể thu mua lúa của nông dân đã đến kỳ thu hoạch.

Ông Nguyễn Long, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hơn 200.000 tấn gạo chưa thể xuất khẩu và đang lưu tại các bến cảng đã gây thiệt hại vô cùng lớn cho các doanh nghiệp.

Mỗi ngày, một container gạo 25 tấn không xuất khẩu được sẽ khiến doanh nghiệp tổn thất khoảng 300.000 đồng cho chi phí lưu hàng tại cảng và nhiều chi phí phát sinh khác. Doanh nghiệp nhỏ thì mất vài chục triệu đồng/ngày, doanh nghiệp lớn thì mất hàng trăm triệu đồng/ngày.

“Chúng tôi cũng đang lưu tại Cảng Sài Gòn 3.500 tấn gạo, mỗi ngày thiệt hại khoảng 36 triệu đồng. Cả chục ngày nay, gạo không xuất được thì mọi người biết chúng tôi thiệt hại bao nhiêu rồi đó. Nếu phải chờ đến ngày 15/4 thì hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều không thể bám trụ nổi”, ông Long nói.

Theo ông Long, nếu gạo xuất khẩu được thì doanh nghiệp vẫn phải chờ thêm khoảng 3 tuần mới nhận được tiền bởi doanh nghiệp phải chờ hàng di chuyển đến nơi, đối tác nhận hàng và ngân hàng chuyển tiền…

Chính vì vậy, nếu càng kéo dài thời gian lưu hàng tại cảng thì doanh nghiệp càng dễ phá sản.

Cũng theo ông Long, do lo sợ việc ngừng xuất khẩu sẽ kéo dài nên các ngân hàng đang phong tỏa nguồn tiền của doanh nghiệp khiến doanh nghiệp càng rơi vào tình trạng khó khăn. Trong khi đó, ngành gạo lại có biên độ lợi nhuận thấp và nguồn vốn vay lớn.

“Nếu chúng tôi không xuất khẩu được thì chúng tôi cũng không thể bán được ở nội địa. Vì đặc trưng ngành gạo là ai làm nội địa thì không xuất khẩu, còn ai làm xuất khẩu thì không làm nội địa hoặc làm rất ít. Doanh nghiệp không thể chuyển đổi thị trường ngay tức khắc được. Nếu “câu giờ” mãi thì chúng tôi chỉ có chết”, ông Long chia sẻ.

Doanh nghiệp: Chúng tôi sẽ “chết” nếu ngừng xuất khẩu gạo quá lâu - 2

Gạo nằm ở cảng càng lâu thì doanh nghiệp càng "khó sống".

Ông Trần Thắng, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Long An cho biết, doanh nghiệp của ông cũng đang vô cùng khó khăn vì gạo nằm ngoài cảng hơn chục ngày qua, gây thiệt hại cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng.

Doanh nghiệp cũng đang bị ngân hàng phong tỏa nguồn tiền như nhiều doanh nghiệp khác.

Theo ông Thắng, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều có nguồn vốn lưu động không lớn và phải vay thêm ngân hàng, bởi giá trị mỗi lô hàng có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chính vì vậy, mặt hàng gạo luôn cần rất nhiều tiền để thu mua, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, việc tạm ngưng xuất khẩu đã khiến các ngân hàng không dám giải ngân vì các ngân hàng đều sợ không thể thu hồi nợ từ doanh nghiệp. Điều này khiến các doanh nghiệp càng khó khăn.

“Nguồn tiền không có thì chúng tôi cũng đâu thu mua được gì. Chúng tôi còn 5.000 tấn lúa đang ở ngoài đồng đã phải bỏ tiền cọc vì không có tiền thu mua. Trong khi đó, đây là thời điểm lúa chín rộ và đến kỳ thu hoạch. Lại còn tiền chi phí nằm cảng, lưu cảng”.

“Nếu muốn tạm ngừng xuất khẩu gạo thì cũng cần thông báo trước cho chúng tôi một khoảng thời gian nhất định để chúng tôi chủ động, chứ đột ngột quá sao chúng tôi trở kịp”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, gạo không xuất khẩu được còn ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế bởi các nước khác sẽ nghĩ, “Việt Nam có chuyện là ngưng”. Trong khi đó, những nước khác trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan lại đang đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.

“Chúng ta vừa mất thị trường năm nay, vừa mất thị trường tương lai vừa khiến bạn bè quốc tế không tin tưởng”, ông Thắng chia sẻ.

Cũng theo ông Thắng, gạo không xuất khẩu được cũng khiến nông dân bị ép giá lúa. Doanh nghiệp “chết” thì nông dân cũng “chết”, bởi nông dân chỉ bán lúa, không bán gạo. Nông dân không thể xay xát, chế biến lúa thành gạo.

“Chúng ta có thể giải cứu thanh long, dưa hấu được nhưng không giải cứu lúa được. Không nên chia rẽ nông dân – thương lái – doanh nghiệp, bởi nông dân không thể bán trực tiếp cho doanh nghiệp vì mỗi hộ chỉ có vài ba tấn, doanh nghiệp cũng không thể thu gom lúa nhỏ lẻ nổi và thương lái thì không có tiền nhưng có thông tin, hiểu rõ nông dân, lúa, thị trường”, ông Thắng phân tích.

Cũng theo đại diện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Long An và TPHCM, các doanh nghiệp chỉ mong được thông quan những lô hàng đang nằm tại cảng để có chi phí duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp hi vọng Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ tính toán, đưa ra các giải pháp nhanh hơn, gấp rút hơn nhằm hạn chế thiệt hại mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu.

Phải có câu trả lời trước ngày 5/4

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 140/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đó, Thủ tướng nêu rõ, bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề chiến lược, trọng đại liên quan đến đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 và thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường; dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung lúa gạo trong nước. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã phong tỏa và tăng cường dự trữ lương thực.

Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Trước hết là phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trên các vùng miền. Đặc biệt là ở những nơi có tiềm năng, lợi thế, bảo đảm đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần phù hợp cho xuất khẩu.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo nhằm thao túng giá đối với mặt hàng gạo.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương lấy ý kiến các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng yêu cầu các Bộ và các cơ quan liên quan có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Công Thương trước ngày 5/4/2020.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương hoàn thiện phương án đề xuất, ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 6/4/2020, bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh Covid-19.

Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo chỉ tiêu, kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đáp ứng kịp thời các yêu cầu đột xuất, cấp bách, nghiên cứu việc mua tăng thêm mức dự trữ nếu cần thiết.

Đại Việt