Đàm phán TPP: Nhiều nước "cứng rắn" không mở cửa nông sản

(Dân trí) - Với đa số các nước, kể cả các nước có nền nông nghiệp phát triển, sản xuất nông sản vẫn được xem là lĩnh vực dễ bị tổn thương, gắn với thu nhập của nhóm dân cư tương đối đặc biệt, do đó cần được hỗ trợ nhiều hơn các ngành phi nông sản khác.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có báo cáo cập nhật tình hình đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tính đến tháng 5/2015.

Theo đánh giá của Trung tâm WTO, cũng giống như trong hầu hết các đàm phán thương mại tự do trong TPP, mở cửa thị trường nông sản là vấn đề đàm phán khó khăn. Bởi với đa số các nước, kể cả các nước có nền nông nghiệp phát triển, sản xuất nông sản vẫn được xem là lĩnh vực dễ bị tổn thương, gắn với thu nhập của nhóm dân cư tương đối đặc biệt, do đó cần được hỗ trợ nhiều hơn các ngành phi nông sản khác. Một trong những biện pháp hỗ trợ điển hình là bằng thuế quan.

Trong TPP, vấn đề mở cửa (loại bỏ thuế quan) đối với nông sản thậm chí còn khó khăn hơn với việc một số nước TPP nêu quan điểm cứng rắn về việc không mở cửa thị trường đối với một số nhóm nông sản quan trọng. 

Ví dụ như Nhật Bản, nước này đã tuyên bố rõ ràng về việc bảo vệ một số sản phẩm nông sản mà họ coi là “thiêng liêng” và không thể nhượng bộ như thịt, sữa, đường, gạo và lúa mỳ. Hay Hoa Kỳ cũng khăng khăng giữ thị trường đường mặc dù Úc đã có nhiều chiến lược gây sức ép rất mạnh để nước này mở cửa...

Trong khi đó, là nước sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản nhiệt đới có sức cạnh tranh khá cao, Việt Nam có nhu cầu rất lớn trong việc tiếp cận thị trường các nước TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Mỹ.

Tuy nhiên, trung tâm WTO cũng đánh giá, so với tình hình chung về đàm phán mở cửa thị trường nông sản trong TPP như nói trên thì Việt Nam có một số lợi thế nhất định.

Cụ thể, nông sản Việt Nam là nông sản nhiệt đới, bổ sung chứ không cạnh tranh trực tiếp với nông sản sản xuất tại các thị trường mục tiêu.

Đối với một số thị trường khó khăn, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam lại đã có cam kết song phương ở mức độ tự do tương đối như Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) nên việc đàm phán trong TPP hầu như có thể thừa hưởng cam kết đã có, việc mở cửa thêm cũng đơn giản hơn.

Bên cạnh đó, trong một chừng mực nhất định, đối với các nước nhập khẩu, mở cửa thị trường thông qua loại bỏ thuế quan cho nông sản Việt Nam không đồng nghĩa với việc nông sản Việt Nam có thể bước vào thị trường đó.

Trung tâm WTO dẫn ví dụ, Hoa Kỳ duy trì một hàng rào kỹ thuật rất cao đối với nông sản nhập khẩu, bao gồm hàng rào ban đầu cho loại nông sản được phép vào thị trường này. Cho tới nay mới chỉ có 3 loại quả của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Mỹ bao gồm thanh long, chôm chôm và gần đây nhất là vải, nhãn. Trong khi đó, hàng rào cho mỗi lô hàng nông sản nhập khẩu bao gồm khu vực trồng phải được gắn mã và quản lý, quy trình kỹ thuật chăm sóc trước thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn, thủ tục chiếu xạ trước khi xuất khẩu...

“Do đó, đối với một số nước nhập khẩu, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với nông sản Việt Nam không phải quá khó khăn. Ngoài ra, đàm phán nông nghiệp giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản nếu đạt được kết quả tốt thì cũng như các nước TPP khác, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi", trung tâm này đánh giá.

Ngoài ra, Trung tâm WTO cũng cho hay, song song với việc yêu cầu các đối tác mở cửa thị trường hàng hoá Việt Nam thông qua cắt giảm thuế quan, Việt Nam cũng đồng thời phải mở cửa thị trường cho hàng hoá xuất khẩu từ các nước TPP. Cho đến nay, không có thông tin cụ thể nào về yêu cầu của đối tác với Việt Nam trong mở cửa thị trường hàng hoá Việt Nam trừ một số ít các trường hợp suy đoán là có yêu cầu mở cửa thị trường sữa, thịt bò Úc, đường, thịt lợn, ô tô cho Hoa Kỳ…

Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP