Đừng tưởng TPP toàn “màu hồng”!

Chúng ta được đánh giá là sẽ hưởng lợi khá nhiều từ Hiệp định TPP nhưng là một nền kinh tế nghèo, Việt Nam sẽ phải đáp ứng hàng loạt quy định hết sức cam go.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Cuộc đàm phán của trưởng đoàn các nước trong Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bước vào giai đoạn nước rút với cuộc đàm phán marathon gần 2 tuần từ ngày 15 đến 27-5 tại Guam - Mỹ. Tiếp nối ngay sau đó, các bộ trưởng TPP sẽ có cuộc đàm phán bên lề cuộc họp APEC tại Manila - Philippines từ ngày 26 đến 28-5 và đây là dấu mốc mà các nước đang hy vọng hiệp định có thể được chốt lại.

 

Hy vọng của các nước là TPP bắt đầu từ việc Quyền đàm phán nhanh (TPA) cuối cùng đã tìm được lối thoát ở Washington. Hôm 14-5, 2 ngày sau khi chặn dự luật TPA cho Tổng thống Barack Obama, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu để chấp nhận tranh luận về TPA - bước trước của việc thông qua dự luật này.

 

Việt Nam được gì?

 

“Đánh giá từ Viện Peterson thì Việt Nam sẽ là nước có lợi nhiều nhất từ TPP” - Vox trích chuyên gia Tyler Cowen viết: “Các anh hiểu chứ? Các nước nghèo nhất sẽ là những người được lợi nhất”.

 

Nhưng Kimberly Ann Elliott - kinh tế gia tại Trung tâm Nghiên cứu về phát triển toàn cầu (CGD), người nghiên cứu về tác động của chính sách thương mại toàn cầu đối với người nghèo - thì nói vấn đề phức tạp hơn vậy. Elliott không hoàn toàn chống hay ủng hộ nhưng theo bà, tác động của TPP không lớn như các nhà kinh tế học đánh giá. Những người ủng hộ TPP thường phóng đại về lợi ích nó sẽ có cho các nước nghèo, trong khi TPP cũng có những tác động có hại đối với họ.

 

Trên góc độ nào đó, TPP đặc biệt ý nghĩa với Việt Nam và Nhật Bản - 2 nước trong TPP không có hiệp định thương mại tự do lớn nào với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác của TPP.

 

Lập luận cơ bản với TPP lúc này là sẽ giảm các hàng rào thuế quan vào các nước giàu để có thể giúp tăng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở các nước nghèo. Việt Nam được hy vọng sẽ có lợi không chỉ với các nước trong khối mà còn với các nước cạnh tranh ngoài khối nhưng có sản phẩm tương ứng Bangladesh hay Campuchia.

 

Đừng tưởng TPP toàn “màu hồng”!
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Washington hồi cuối tháng 4-2015. Bế tắc đàm phán Nhật - Mỹ là một trong những nguyên nhân khiến đàm phán TPP bế tắc suốt 18 tháng qua Ảnh: THE WHITE HOUSE

 

“Một số nước kém phát triển nhất ở châu Á, đặc biệt là Bangladesh và Campuchia, hiện tại không có Quy chế Tối huệ quốc vào thị trường Mỹ” - bà Elliott nói và cho biết: “Họ phải trả chi phí, với mức thuế trung bình trên 15% với các hàng hóa quần áo xuất khẩu vào Mỹ. Nếu Việt Nam được tiếp cận thêm vào thị trường Mỹ, điều đó sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nước này”.

 

Nhưng mọi thứ không phải là “màu hồng” với Việt Nam - nền kinh tế kém phát triển nhất trong TPP. Các hiệp định thương mại thường bao gồm quy định về “xuất xứ nguồn gốc” để xác định hàng hóa từ đâu. Điều này là để nhằm cản các nước lợi dụng những nước trong hiệp định thương mại tự do để biến họ thành trạm trung chuyển vào một thị trường lớn - với Việt Nam, đó là trường hợp của Trung Quốc.

 

Việt Nam là nước nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu may mặc từ Trung Quốc. Hầu hết các nước châu Á cũng đều nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Để chặn điều này, Mỹ đòi yêu cầu nguyên tắc “từ sợi trở đi” (hàng hóa chỉ được hưởng mức thuế ưu đãi nếu xác định là “từ sợi trở đi” đều được sản xuất trong TPP).

 

Theo bà Elliott, trong lĩnh vực may mặc, nguyên tắc căn bản về xuất xứ đối với Mỹ là “từ sợi trở đi”. Điều đó có nghĩa là từ sợi, vải cho đến sản phẩm cuối cùng, tất cả đều phải được sản xuất từ các nước trong khối.

 

Theo các chuyên gia, với Việt Nam, Mỹ sẽ cho phép một lượng nguyên liệu nhất định từ bên ngoài trong một khoảng thời gian ngắn. Khi vượt quá lượng này thì quy định “từ sợi trở đi” sẽ được áp dụng chặt và hàng hóa sẽ không được hưởng thuế ưu đãi nếu không đáp ứng về xuất xứ. Với quy định này, lợi ích từ TPP thực tế sẽ không cao như các dự đoán ban đầu khi hiện tại, phần lớn nguồn nguyên liệu về dệt may, giày dép của Việt Nam vẫn là từ Trung Quốc.

 

“Tôi bảo đảm là bất kể chúng ta chấp nhận thế nào trong hiệp định thương mại, nguyên tắc xuất xứ sẽ khiến Việt Nam không thể tận dụng được các quy định giảm thuế này” - bà Elliott nhận xét.

 

Quy định ngặt nghèo chính là cơ hội cải cách

 

Các nước tham gia TPP gồm có Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. GDP của 12 nước tham gia đàm phán là khoảng 28.000 tỉ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu.

Một quy định chặt hơn nữa của TPP sẽ là quyền sở hữu trí tuệ. Quy định này sẽ ảnh hưởng nhiều tới các nước nghèo, như làm tăng giá các loại dược phẩm được Mỹ bảo hộ bản quyền và sẽ giảm khả năng tiếp cận tới các công nghệ mới (do chi phí trả bản quyền cao).

 

Hiện các nước nghèo đang phản ứng rất mạnh về vấn đề này để đòi Mỹ nhượng bộ. Theo họ, quy định về bản quyền trí tuệ không hợp lý và việc áp dụng quy định chung với tất cả các nước như vậy là không công bằng.

 

Bà Elliott nhận định: “Về sở hữu trí tuệ, các nước ở các trình độ phát triển khác nhau có lợi ích khác nhau. Có quy định chung về vấn đề này không phải là cách hay”. Ngoài ra, các quy định về doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của chính phủ, môi trường quyền sở hữu trí tuệ cũng là những vấn đề Việt Nam sẽ gặp khó.

 

Nhưng các quy định ngặt nghèo của TPP cũng là hy vọng để Việt Nam có thể tiến hành các cải cách để có thể thúc đẩy tăng trưởng. Frederick Burke, Giám đốc điều hành Hãng luật Baker & McKenzie ở Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn đã đánh giá hiệu ứng của TPP với Việt Nam sẽ là rất lớn. “Mọi người thấy Việt Nam tiếp tục với chiến lược hội nhập một cách hiệu quả, chắc chắn sẽ thu hút nguồn đầu tư lớn. Chúng ta đã bắt đầu thấy đầu tư tăng ở lĩnh vực bất động sản, vốn nước ngoài đã đổ vào để xây dựng các dự án lớn mới... Tất cả đều là tín hiệu tốt. Hiệu ứng của nó như vậy thực tế đã bắt đầu ngay từ bây giờ”.

 

 Chạy đua với năm 2016

 

TPA là mảnh ghép cuối cùng quan trọng nhất vào lúc này đối với đàm phán TPP. Có thể nói, đây là rào cản lớn nhất khiến đàm phán TPP chưa thể kết thúc sau khi bế tắc suốt 18 tháng qua. Với TPA, khi hiệp định TPP được ký kết và đệ trình, Quốc hội Mỹ sẽ buộc phải bỏ phiếu chấp thuận hoặc là bác bỏ hiệp định chứ không được phép thay đổi nội dung. Với 11 nước còn lại đang đàm phán TPP, TPA là phép bảo đảm để các kết quả đàm phán trong suốt mấy năm cam go không bị lật ngược lại.

 

Thượng viện Mỹ sẽ còn đối mặt với những ngày tranh luận căng thẳng về các chi tiết của dự luật TPA này. Song, giới quan sát đang hy vọng TPA có thể sẽ được thông qua ở thượng viện trong tuần tới, trước kỳ nghỉ lễ cuối tháng 5. Hầu hết nghị sĩ trong chính Đảng Dân chủ của ông Obama ở cả hạ viện lẫn thượng viện đều chống TPA và TPP bởi cho rằng các hiệp định thương mại sẽ khiến công nhân ở Mỹ mất việc làm; phe Cộng hòa cũng chống nhưng với số lượng nhỏ.

 

Về mặt thủ tục, TPA sẽ còn cần được cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua trước khi được tổng thống ký thành luật. Cuộc chiến ở hạ viện dự kiến cũng cam go không kém ở thượng viện vì liên quan đến một loạt ngành công nghiệp chủ chốt từ ô tô, thép tới giày da và dược phẩm - với các lực lượng lobby vô cùng hùng hậu.

 

Ở Hạ viện Mỹ, Tổng thống Obama cũng đang trong thế khó khi chỉ có chưa đầy 20 nghị sĩ Dân chủ ủng hộ dự luật này. Bà Nancy Pelosi của Đảng Dân chủ, thủ lĩnh phe thiểu số hạ viện, cũng từ chối ủng hộ tổng thống. Thách thức của chính quyền Obama lúc này là phải sớm kết thúc đàm phán vì càng để muộn thì chính trường Mỹ sẽ càng rơi vào vòng xoáy của chạy đua bầu cử năm 2016, khi đó mọi thứ sẽ càng phức tạp. Đánh giá chung là TPP sẽ không thể được phê duyệt nếu kéo dài đến năm sau, khi cuộc đua tổng thống vào giai đoạn nước rút.

 

Phía quan chức Mỹ cho biết kể cả sau khi đàm phán kết thúc thì sẽ cần nhiều tháng để hiệp định có thể trình ra quốc hội. Vì vậy, hiện họ cần TPP phải kết thúc đàm phán sớm trong tháng này hoặc tháng sau để có thể phê duyệt trước cuối năm nay.

 

Theo Thanh Tuấn

Người Lao động

 
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”