Đại gia thực phẩm mạnh tay chia cổ phiếu quỹ gần 1.500 tỷ đồng cho cổ đông

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Tập đoàn Kido dự kiến chốt quyền chia toàn bộ 22,5 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông. Số cổ phiếu này có giá trị gần 1.500 tỷ đồng, tính theo giá giao dịch trên sàn.

Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) thông báo chia toàn bộ 22,5 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ thực hiện là 100:8.42434, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 8,42434 cổ phiếu mới.

Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ phiếu được chia từ cổ phiếu quỹ là 14/6. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 13/6.

Chốt phiên giao dịch ngày 3/6, giá cổ phiếu KDC ở mức 65.300 đồng/đơn vị. Như vậy, số cổ phiếu quỹ tương đương giá trị 1.469 tỷ đồng.

Đại gia thực phẩm mạnh tay chia cổ phiếu quỹ gần 1.500 tỷ đồng cho cổ đông - 1

Kido kinh doanh thực phẩm thiết yếu, ngành dầu ăn đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh (Ảnh minh họa: KDC).

Kido hoạt động trong lĩnh vực bán buôn thực phẩm; sản xuất và kinh doanh các loại thực phẩm, nước uống như kem, sữa, các sản phẩm từ sữa, các loại đồ uống không cồn, nước khoáng; các sản phẩm chế biến từ dầu, mỡ động vật, từ các loại hạt có dầu, thạch dừa.... Trước đây, Kido có tên cũ là Kinh Đô, sau đó đổi tên khi đã chuyển giao mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại và thâm nhập vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.

Năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt 8.650 tỷ đồng, giảm 31% so với năm trước. Trong đó ngành dầu ăn chiếm 73%, ngành hàng thực phẩm chiếm 27%. Lợi nhuận sau thuế đạt 135 tỷ đồng, giảm 64%.

Sắp tới đây, Kido tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Theo tài liệu họp, Kido đặt mục tiêu doanh thu 13.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 50% và 148% so với thực hiện năm trước.

Hội đồng quản trị (HĐQT) dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn trong năm nay, dù suy thoái kinh tế toàn cầu đã giảm bớt nhưng thế giới vẫn đương đầu với nhiều thách thức về căng thẳng địa chính trị.

Tại Việt Nam, các đối tác thương mại chính là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian qua do môi trường toàn cầu bất ổn và nhu cầu giảm. Nhu cầu thấp đã kéo sức cầu và làm giảm mức tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên theo dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần trong năm nay.

HĐQT định hướng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm, nâng cao công tác quản trị rủi ro, công nợ, giảm thiểu rủi ro tài chính...