Cuối tuần đau thương tại các ngân hàng Hy Lạp
Ngân hàng đóng cửa, những trụ ATM rỗng tuếch và sự trở lại của đồng bản tệ drachma. Đó có thể là viễn cảnh trong tương lai tại đất nước này.
Chiều thứ sáu, Dorothea Lambros đứng bên ngoài chi nhánh ngân hàng HSBC tại Athens, cầm trong tay chiếc phong bì chứa đầy tiền mặt sau khi kiểm tra tài khoản còn lại của mình là 38.000 Euro (tương đương 43.000 USD).
Bà bị trễ vài phút để có thể gửi tiền vào ngân hàng có trụ sở tại London này. Lambros đã quá sợ hãi với cuộc sống tạm bợ, suốt ngày phải lo lắng khi gửi tiền vào các ngân hàng của Hy Lạp. Bà nghĩ ngân hàng tại đây có thể sẽ không trụ nổi qua những ngày cuối tuần.
“Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra vào thứ Hai tới”, bà Lambros nói.
Không một ai làm gì. Những nỗ lực cuối cùng đều đã thất bại, một quốc gia chìm sâu vào giấc ngủ mà không biết điều gì sẽ xảy ra khi tỉnh dậy. Ngân hàng đóng cửa, những trụ ATM rỗng tuếch và những đồng tiền Euro trong túi sẽ biến thành những đồng drachma như trước đây. Đó có thể là viễn cảnh trong tương lai tại đất nước này.
Trên một góc phố, một nghệ sĩ trình diễn màn đốt cháy những đồng tiền Euro, ông bảo đó chính là những đồng tiền Euro cuối cùng.
Gần đó, một người ăn xin Afghanistan nói đùa rằng có lẽ anh nên sang Thụy Sỹ để tiếp tục hành nghề, trong khi một người mẹ nắm chặt tay cô con gái lao vào cuộc biểu tình bên ngoài Quốc hội, sau khi cuộc họp của Eurogroup kết thúc mà không đạt được bất cứ đột phá nào.
“Chúng tôi từng nghĩ rằng mình đã thoát ra khỏi quá khứ ảm đạm, trở thành một quốc gia bình thường như bao đất nước khác. Nhưng giờ đây, vào hôm nay, điều tồi tệ nhất mà tôi từng thấy.”, Panagis Vourloumis, 78 tuổi, cựu Giám đốc điều hành một Ngân hàng đầu tư cho biết.
Ồ ạt rút tiền gửi
Đối với người Hy Lạp, điều sợ hãi nhất sẽ xảy ra vào hôm thứ Hai chính là hiện tượng Déjà vu - nhìn thấy tương lai từ quá khứ. Trước khi đồng Euro thay thế đồng tiền Drachma vào năm 2002 thì Hy Lạp từng khiến cho các quốc gia châu Âu khác “mất cảm tình”. Đồng tiền của họ chủ yếu bị mắc kẹt bên trong đất nước của họ bởi người dân nơi đây xem việc trữ tiền mặt là trên hết và ngăn cản mọi thứ mới lạ xâm nhập vào.
Người dân Hy Lạp ồ ạt rút tiền
Lo lắng cho một tương lai tồi tệ sắp xảy ra, kể từ tháng 12 năm ngoái, người dân nước này đã ồ ạt kéo đến ngân hàng để rút tiền. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Hy Lạp, từ tháng 10/2014 đến tháng 4/2015, người Hy Lạp đã rút tổng cộng 30 tỷ Euro, tương đương 33,84 tỷ USD khỏi ngân hàng.
Hôm thứ Sáu vừa rồi, Ngân hàng trung ương Châu Âu đã phải nâng mức trợ giúp thanh khoản khẩn cấp (ELA) tối đa dành cho các ngân hàng Hy Lạp thêm 1,8 tỷ euro.
Những đề xuất mới
Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras, vừa trở về từ chuyến thăm Tổng thống Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 19/6 qua.
Chuyến thăm Nga này của ông Tsipras diễn ra vào thời điểm Hy Lạp đang trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng”. Cuộc đàm phán giữa Athens với các chủ nợ quốc tế bế tắc. Chính phủ của Thủ tướng Tsiparas đã cảnh báo sẽ không có tiền để trả khoản nợ 1,5 tỷ Euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nếu không đạt được thỏa thuận với chủ nợ.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại Saint Petersburg hôm 18/6
“Kể từ khi thành Thủ tướng Hy Lạp, ông Tsirpras đã tìm mọi cách để nhấn mạnh mối quan hệ văn hóa và lịch sử với Nga. Đây là một phần nỗ lực của ông ấy để định hướng lại chính sách kinh tế và đối ngoại của Hy Lạp từ chỗ lấy Eurozone làm trung tâm”, ông Nicholas Spiro, Giám đốc điều hành của Spiro Sovereign Strategy, nhận xét.
Ngày thứ hai đen tối
“Tất cả đều từng có chung một cảm giác phấn khích. Có một công việc trong nhà nước, giá bất động sản thì cứ tiếp tục tăng. Và rồi sau đó bùng lên cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, tất cả đều để lộ ra. Hóa ra nền kinh tế của chúng tôi được xây dựng trên chế độ bảo hộ, bằng tiền vay mượn.”, Vourloumis, người điều hành ngân hàng và các công ty viễn thông nói.
Như năm 2001, mọi điều tồi tệ chấm dứt ở Athens. Pháo hoa nổ rộ khắp đường phố, thắp sáng cả một chân trời, đồng tiền drachma đã chết và được thay thế bởi những đồng Euro. Chính thức hoàn thành những bước cuối cùng trong việc gia nhập vào Eurozone.
Thế nhưng, sau hơn 12 năm, người Hy Lạp lại phải đối mặt với tình trạng có thể trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi khu vực đồng tiền chung Euro.
“Ngày thứ hai sắp tới sẽ rất khó khăn”, Lambros, người phụ nữ lo lắng với số tiền mặt của mình ở Athens cho biết. Bà dự định sẽ dành những ngày cuối tuần để xem tin tức và tìm hướng cho tương lai.
“Nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone, tôi phải làm gì để mua được thức ăn.”, bà tự hỏi.
Theo Duy Duy
Đất Việt/Bloomberg, T.H