Kỳ 5

“Cuộc chiến” xe ôm: Cảnh “khốn cùng” không ngờ của xe ôm “vẫy”

(Dân trí) - Không ít người làm nghề xe ôm truyền thống đang lâm vào cảnh khốn cùng khi cả ngày chỉ kiếm đủ tiền ăn, không có dư để phụ gia đình. Nhiều người già bỏ về quê làm ruộng, thậm chí vợ chồng xích mích doạ đưa nhau ra toà ly hôn.

Lao đao trong vòng xoáy công nghệ

Ngồi trên yên xe, ông Nguyễn Văn Hiệp (ngụ huyện Hóc Môn) luôn thở dài thườn thượt khi ai đó hỏi ông về công việc và nỗi lo cơm áo. Gần 20 năm chạy xe ôm tại khu vực ngã tư Giếng Nước (quốc lộ 22, huyện Hóc Môn), ông Hiệp đã nuôi sống được gia đình, lo cho con ăn học nhưng chưa bao giờ ông Hiệp thấy công việc này nó bạc bẽo và "khó thở" như hiện nay. Sự phát triển rầm rộ của dịch vụ xe ôm công nghệ đã khiến "nồi cơm" gia đình ông vơi đi đáng kể và có nguy cơ "mất trắng".

Theo ông Hiệp, xe ôm công nghệ hiện nay được nhiều người biết đến vì dễ tìm vị trí của khách, giá cả rõ ràng, phương tiện hiện đại (xe tay ga, xe côn tay đắt tiền...).


Tài xế xe ôm truyền thống ngóng khách trong bến xe miền Đông, nơi được xem là vùng đất dữ đối với cánh xe ôm công nghệ.

Tài xế xe ôm truyền thống ngóng khách trong bến xe miền Đông, nơi được xem là "vùng đất dữ" đối với cánh xe ôm công nghệ.

Ông Hiệp cũng tâm sự, nỗi lo cơm áo đè nặng trên lên ông và gia đình. "Lúc trước chạy xe mỗi ngày cũng kiếm được 300.000 - 400.000 đồng là bình thường giờ kiếm 100.000 đồng cũng khó khăn. Từ ngày xe ôm công nghệ phát triển rầm rộ thì khách của tôi mất đi quá nửa, chỉ còn một vài mối quen duy trì đủ tiền xăng, tiền chợ cho vợ", ông Hiệp tâm sự.

Nói về những vụ mâu thuẫn, xô xát giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ, ông Hiệp cho rằng, xe ôm nào cũng phải mưu sinh, khi "nồi cơm" bị đụng đến thì chắc chắn xảy ra xung đột. Không chỉ ở những điểm nóng như bến xe, sân bay, siêu thị, chợ... mà xung đột cũng thường xuyên xảy ra trên phố. Sở dĩ "nồi cơm" của những người chạy xe ôm truyền thống bị vơi đi là do giá xe ôm công nghệ rẻ và linh hoạt theo giờ.

Ông Hiệp khẳng định: "Nhiều lần tôi giáp mặt với anh em chạy xe ôm công nghệ ở nơi mình đứng đón khách mấy chục năm qua, tôi cũng chỉ lưu ý anh em không nên bắt khách bên ngoài để chúng tôi còn kiếm cơm nữa. Cũng có nhiều anh em hiểu chuyện nhưng cũng có người tỏ vẻ khó chịu, cho rằng tôi đang giành địa bàn, tạo vùng cấm. Mình cùng mưu sinh thì làm sao hài hoà, hai bên đều sống được".

Ông Tư (53 tuổi) chạy xe ôm tại khu vực cầu vượt Nguyễn Tri Phương (quận 10), hiện mỗi ngày cố gắng lắm ông cũng chỉ kiếm được 100.000 đồng, còn lại chỉ là những lần hao xăng, tốn sức di chuyển từ ngã tư này đến đầu hẻm khác bắt khách.

Xe ôm truyền thống đang lao đao, nồi cơm bị vơi đi đáng kể sau khi xe ôm công nghệ ra đời.
Xe ôm truyền thống đang lao đao, "nồi cơm" bị vơi đi đáng kể sau khi xe ôm công nghệ ra đời.

Cả ông Hiệp và ông Tư đều cho, họ đã quen với cách chạy xe ôm của riêng mình, đó như một cái nghiệp đã gắn bó mấy chục năm. Bên cạnh đó, phần do tuổi tác, hạn chế về công nghệ nên các ông không tham gia vào đội ngũ xe ôm công nghệ.

Vợ dọa bỏ vì nghi chơi bời

Quanh bến xe Mỹ Đình có hàng trăm xe ôm truyền thống đã mưu sinh, bám trụ tại đây từ những ngày đầu thành lập.

Tôi gặp chú Vân người quê Mỹ Đức (Hà Nội) trên đường Phạm Hùng đoạn cạnh bến xe Mỹ Đình lúc này khoảng 16h chiều. Thấy chú đứng một mình lại có tuổi và nhìn cũng có vẻ hiền lành nên tôi chủ động bắt chuyện với chú mà không sợ bị ăn chửi mặc dù trên người vẫn mang đồng phục màu xanh.

Xe ôm truyền thống dài cổ ngóng khách quanh bến xe Mỹ Đình.
Xe ôm truyền thống "dài cổ" ngóng khách quanh bến xe Mỹ Đình.

Chú Vân năm nay 66 tuổi, người thấp lùn khắc khổ, chú đi con xe Future đời đầu nhìn rách nát. Mười năm ròng rã bám trụ bằng nghề xe ôm, tiền công hàng tháng cũng đủ để chú trang trải cuộc sống bản thân và gửi về quê nuôi con ăn học.

Tết vừa rồi chú quyết định “về hưu” vì tuổi đã khá cao và thu nhập không còn được như trước. Với số vốn có được chú vay thêm ngân hàng một khoản kha khá để đầu tư làm trang trại và nuôi lợn nái. Không ngờ đợt vừa rồi giá lợn xuống đáy, càng chăm càng lỗ nặng.

Mấy chục cặp lợn bán dần bán mòn, cuối cùng vốn liếng mất sạch lại thêm khoản nợ mấy chục triệu phía ngân hàng trên vai. Không biết làm gì cho ra tiền để trả nợ, rơi vào đường cùng chú quyết định lên Hà Nội quay lại nghề cũ.

“Trước tết tôi về quê nhưng đâu có thấy nhiều “xe ôm gọi” (xe ôm công nghệ) như thế này. Chỉ mới nửa năm trời, nay quay lại bến toàn thấy màu xanh, đâu đâu cũng thấy. Mới ra bến được khoảng chục ngày, ngày nào cũng dậy sớm từ 4h sáng “cày cuốc” đến đêm muộn mà cũng chỉ đủ tiền đóng phí, tiền ăn, tiền xăng. Nước uống phải đổ vào chai mang từ nhà đi.

Hiên giờ tôi còn đang ngủ nhờ phòng trọ của một người cùng quê, chưa có tiền để thuê phòng riêng. Cả ngày nay, tôi mới được 3 “cuốc” khách, tiền công được 70 nghìn đồng.

Khách thì vẫn đông nhưng họ phần lớn đi xe ôm gọi điện thoại. Trong khi tôi cũng yếu rồi không thể lăn lộn trong bến, mời, kéo khách được như trước. Cuộc sống thấy khổ quá cháu ơi, cứ thế này chắc lão già này lại phải về quê mất”.

Một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với xe ôm truyền thống. Cánh GrabBike nhiều xe chạy cả ngày không hết khách.
Một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với xe ôm truyền thống. Cánh GrabBike nhiều xe chạy cả ngày không hết khách.

Không giống chú Vân, anh Hải quê ở Hòa Bình thì rơi vào một hoàn cảnh khác. Ở tuổi 37 không nghề nghiệp anh Hải ra Hà Nội mưu sinh được hơn 6 năm bằng nghề xe ôm.

Nơi anh đứng thường xuyên để bắt khách là một điểm xe bus gần tòa nhà Keangnam, thời gian trước cày cuốc anh kiếm được cả chục triệu mỗi tháng. Trừ tiền ăn, nhà ở xăng xe cũng gửi về cho vợ mỗi tháng được khoảng 5 triệu đồng.

Vài tháng trở lại đây thu nhập giảm đi nhiều nên chẳng có tiền gửi về cho vợ như trước. Thấy chồng đi làm nhiều tháng không có tiền gửi về quê, vợ anh ở nhà sinh nghi anh lô đề cờ bạc.

“Trước đây mỗi tháng anh về nhà thăm vợ con khoảng 2 lần, lần nào về cũng có tiền mua cho con cái áo, hay đồ chơi gì đó rồi đưa cho vợ một khoản chi tiêu trong gia đình.

Chú biết rồi đấy, mấy tháng nay GrabBike nhiều quá, bọn anh chẳng có khách đi, giờ chủ yếu là chở người quen thôi. Thu nhập giảm chẳng có tiền, mà về kể cho chị ở quê nhưng chị chẳng hiểu gì cứ nghĩ anh chơi bời hết tiền.

Cách đây ít bữa anh về quê có đám cưới, rượu cũng ngà ngà say, chị lại hỏi tiền trong khi đó anh không có để đưa. Đâm ra hai người cãi nhau, anh chửi chị rồi còn cho chị mấy cái tát.

Thú thật thi thoảng anh cũng có tí lô đề, nhưng chỉ năm ba điểm cho vui, giờ thấy vậy chị không hiểu cứ bảo anh chơi bời lại còn sinh nghi anh gái gú rồi về đánh vợ. Chị bắt anh về quê không thì dọa bỏ nhau”, anh Hải vò đầu tâm sự.

Giả xế công nghệ để mưu sinh

Những người chạy xe ôm truyền thống đang rơi vào cảnh "chuột leo cuối sào" họ buộc phải nghĩ ra nhiều chiêu trò mới để có thể tự tồn tại và cạnh tranh được với cánh xe ôm công nghệ.

“Cuộc chiến” xe ôm: Cảnh “khốn cùng” không ngờ của xe ôm “vẫy” - 5

cảnh xe ôm truyền thống "lẻ bóng" giữa "rừng" GrabBike. Ảnh chụp bến xe Giáp Bát.

Tại bến xe Giáp Bát, anh Lê Đình Toàn quê Nam Định chia sẻ: “Thú thật với em, bọn anh bây giờ bắt được một “cuốc” khách khó như lên trời. Em chỉ cần nhìn là em biết đấy một mét vuông có đến 3 ông xe ôm”.

“Ôi trời! nhìn thế thôi nhưng cũng có nhiều loại xe ôm công nghệ đấy cháu ạ. Khổ cho những người chỉ nghe tiếng chứ chưa biết cách thức hoạt động của họ như thế nào. Xuống xe cứ thấy ai mặc áo xanh là lên xe đi luôn. Cứ nghĩ là rẻ nhưng mà toàn bị nó “thịt” cho gấp nhiều lần bình thường ấy.

Mới hôm qua đây này, có một đứa con gái đi xe Thái Bình lên. Chú thấy thế nên ra mời nhưng nó phớt lờ, bảo “cháu đi xe ôm công nghệ cho rẻ”. Thế là “tót” lên xe, chẳng cần biết thật giả ra sao.

Một góc để xe của xe ôm truyền thống bên trong bến xe Giáp Bát.
Một góc để xe của xe ôm truyền thống bên trong bến xe Giáp Bát.

Mà cháu biết không, đi từ Giáp Bát lên Mỹ Đình nó “thịt” cho 200 nghìn.

Cứ như tình cảnh này sắp tới có khi chú cũng phải kiểm cái mũ, cái áo Grab để kiếm cơm thôi cháu ạ, không thì cũng chết đói…”, chú Nguyên quê Vĩnh Phúc cười khểnh kể lại.

“Chú thì già rồi, chẳng bon chen theo bám mời khác được, dựng xe đây ai bảo thì chú chở đi. Gần xa, ít nhiều đều chở tất. Mấy thằng xế ôm công nghệ giả, nhiều lúc bắt được những “cuốc” gần quá, ít tiền nó chán chẳng buồn đi, lại chuyển cho chú,” chú Minh người Lý Nhân, Hà Nam chia sẻ.

Làm cách nào để hai cánh xe ôm có thể sống "hoà bình"? Theo đại diện nghiệp đoàn xe ôm phường Bến Thành (quận 1), gần đây xảy ra nhiều trường hợp tài xế GrabBike đón khách tại vị trí của anh em xe ôm truyền thống nên xảy ra đụng chạm. Dù mỗi nghiệp đoàn được tổ chức quy củ nhưng hầu hết cánh xe ôm ở khắp nơi chạy tự phát, vào nghiệp đoàn chẳng được bao nhiêu. Do đó họ thiếu chuyên nghiệp, mạnh ai nấy chạy, giá cả tùy tiện...khiến khách hàng ngại bị "chặt chém", rủi ro.

"Chúng tôi mong muốn mọi người nhường nhịn nhau để chạy, không giành nồi cơm của nhau. Xe ôm công nghệ không nên mời khách dọc đường mà chỉ chạy theo cuốc đặt trên điện thoại, như vậy mới đúng", một tài xế xe ôm truyền thống nói.

"Cuộc chiến" xe ôm: Chuyến xe đêm bão táp ở "vùng đất dữ"

Còn tiếp...

Trung Kiên - Trọng Trinh - Anh Tuấn