TP.HCM:
“Cuộc chiến” xe ôm: Suýt đổ máu vì xâm phạm lãnh địa Q "tóc dài"
(Dân trí) - Bến xe An Sương, bến xe miền Tây, bến xe miền Đông…luôn được cánh chạy GrabBike ví như “vùng đất dữ”. Những cuộc đụng độ đổ máu đã xảy ra, đặc biệt khi “nồi cơm” của nhóm xe ôm truyền thống bị đụng đến thì “cuộc chiến” giữa hai bên càng căng thẳng hơn bao giờ hết.
Vào “điểm nóng”
Theo đại diện Grab Việt Nam, từ năm 2016 đến nay đã có hơn 100 vụ tài xế GrabBike bị hành hung. Điểm nóng xảy ra các vụ việc tập trung chủ yếu ở bến xe An Sương, bến xe miền Đông, bến xe miền Tây, sân bay Tân Sơn Nhất….
Nhiều ngày trong vai tài xế GrabBike, PV Dân trí đã có mặt tại những “điểm nóng” trong “cuộc chiến” giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ ghi nhận thực tế xoay quanh câu chuyện “nồi cơm”, xung đột quanh hai đội ngũ xe ôm nay truyền thống và hiện đại này.
“Điểm nóng” đầu tiên chúng tôi tìm đến bến xe An Sương (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) theo quan sát, các tài xế xe ôm truyền thống tập trung ngồi chờ đón khách ngay cổng chính của bến xe, mỗi khi có xe ô tô về bến, tài xế xe ôm truyền thống liền chạy bám theo xe và chỉ màu áo để nhận khách ngay khi xe chưa dừng bánh.
Vừa chạy xe vào cổng chính bến xe An Sương, chúng tôi gặp phải nhiều ánh mắt “hình viên đạn” của nhiều nhóm xe ôm truyền thống. Chưa kịp “chào hỏi”, tôi bị ngay một tài xế xe ôm da đen sạm, vẻ mặt hung tợn lao đến chặn đầu, quát vào mặt: “Mày vào đây làm gì? Mày biết bố mày chạy xe ở đây 20 năm rồi không?”. Không kịp để chúng tôi giải thích, ông này nắm ngay lấy cổ áo tôi, giơ nắm đấm lên gằn giọng “biến khỏi đây, trước khi bố mày đổi ý”.
Biết xâm phạm vào “lãnh địa” của “đại ca”, chúng tôi chạy xe ra cách xa bến xe An Sương khoảng 100m. Tưởng chừng được yên, nhưng chưa kịp gạt chân chống thì bất ngờ hai người đang ngồi trên yên xe máy dựng trước một cửa hàng bán mũ bảo hiểm nhảy phắt xuống, áp sát. Tuy nhiên, hai tài xế xe ôm truyền thống này đã chịu nghe tôi giải thích. Qua câu chuyện ngắn bên đường chúng tôi phần nào hiểu được “luật ngầm” tại bến xe An Sương.
Ông Ngô Bình T. (63 tuổi, hành nghề xe ôm hơn 10 năm tại khu vực bến xe An Sương) cho biết, cầm trùm nơi đây là Q. “tóc dài”, tất cả mọi hoạt động của giới xe ôm, buôn bán quanh đây đều do Q. “tóc dài” điều phối. Cũng chính Q. “tóc dài” yêu cầu tài xế xe ôm truyền thống liên kết, ngăn cản tuyệt đối đội ngũ xe ôm công nghệ đến quanh khu vực này.
Ông T. kể: “Trước đến giờ nhiều người chạy xe ôm công nghệ đi vào khu vực này đón khách bị hăm dọa, đuổi đánh rồi. Chắc mấy anh em chạy xe ôm bên đó cũng nói lại với nhau nên dạo này rất ít xe ôm Grap xuất hiện ở bến xe An Sương. Lâu lâu mới thấy chở khách chạy ngang qua thôi”.
Để an toàn và hạn chế mâu thuẫn phát sinh khi đón khách tại những “điểm nóng” như bến xe An Sương, các nhóm GrabBike họ đã rỉ tai nhau nhiều kinh nghiệm như gọi điện thoại cho khách trước, hẹn ra cách xa vị trí của nhóm xe ôm truyền thống “đóng chốt”. Trong đó, quán triệt việc tuyệt đối không đón khách, bắt khách bên ngoài.
“Tao nói mày cút là mày cút, cút ngay”!
Ghi nhận tại bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), theo quan sát của PV, các tài xế xe ôm truyền thống tập trung ngồi chờ đón khách ngay trong khuôn viên của bến xe. Lâu lâu xuất hiện tài xế GrabBike ra vào đón khách theo lịch trình khách hàng đã book trước nhưng liên tục phải rảo mắt cảnh giác xung quanh.
Trong trang phục tài xế xe ôm GrabBike, chúng tôi vừa dừng trong bến xe, lập tức 1 người đàn ông đang ngồi trên xe liền xuống đi bộ lại gần và nói: “Đi đi mày, đứng đây chi, định đứng đây cướp khách hả? Con...tụi bay, đi đi”. Khi giải thích mình chỉ đứng đợi khách đã book lịch trình trước nhưng không để chúng tôi nói hết câu, người đàn ông này trợn mặt, tay chỉ ra hướng cổng: “Tao nói mày cút là mày cút, cút ngay.” Trước sự hung dữ của người đàn ông này, chúng tôi buộc chạy xe ra ngoài.
Ra khỏi cổng, thấy mấy tài xế GrabBike đang chờ khách ở phía bên kia đường, chúng tôi lại gần nói chuyện. Chia sẻ mình là công nhân mới mất việc, trong lúc chờ có việc làm tranh thủ đăng kí đi làm GrabBike để kiếm kế sinh nhai, và kẻ lại câu chuyện vừa gặp phải.
Mạnh - 1 tài xế GrabBike liền nói: “Ông mới vô chạy nên không nắm được quy luật đó thôi. Ông còn đứng lại mấy người đó tương ông liền à. Tụi tôi đưa khách vô là ra liền”.
Một tài xế GrabBike tên Thanh kể: “ Cực lắm anh ơi. Em từ quê vào học, gia đình cũng khó, ngoài giờ học tranh thủ đi làm để trang trải them, em cũng mới vào được 3 tháng thôi. Bữa em chở khách ra bến dừng lại mua chai nước mà mấy ông ý còn chửi, xông ra đuổi đánh, may mà có mấy anh em khác kịp giải vây chứ không no đòn rồi.”
“Em hay chở khách ra bến xe này, muốn nghỉ ngơi chút xíu hay chờ khách đặt ở bến xe thì vào con hẻm nhỏ ngay hông. Anh em GrabBike đứng đó không à. Có ai mà dám đứng gần xe ôm truyền thống đâu”, Thanh chia sẻ.
Được Thanh dẫn ra điểm thường tập trung của cánh tài xế chạy GrabBike, tôi được nhiều đồng nghiệp khác chia sẻ kinh nghiệm để “né” những “điểm nóng”. Tài xế GrabBike nói tên Ba cho biết, khu vực bến xe miền Đông đã được phân chia địa bàn, cánh GrabBike khó mà xâm phạm vô được. Trước thắc mắc anh em cùng chạy GrabBike có hỗ trợ, bảo vệ nhau không?, Ba nói: “Mỗi bến đều có đội trưởng. Nhưng anh em hỗ trợ nhau là chính thôi. Không gây gổ đụng với xe ôm truyền thống làm chi. Làm không được nhiêu hết nên phải lựa mà làm thôi, đừng có nóng nảy”.
Qua trò chuyện với một số tài xế GrabBike, chúng tôi nhận được mỗi người đến với GrabBike từ những công việc khác nhau nhưng tất cả đều dè chừng tài xế xe ôm truyền thống.
“Cuộc chiến khốc liệt” giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ: Nguy hiển rình rập, va chạm như cơm bữa
Còn tiếp...
Trung Kiên - Anh Tuấn