DMagazine

"Cơn gió chướng" với Mỹ và Trung Quốc - 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới

(Dân trí) - Mỹ và Trung Quốc - 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang phải đối mặt với những "cơn gió chướng" vô cùng nan giải.

"Cơn gió chướng" với 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Tốc độ tăng trưởng GDP 8,1% của Trung Quốc trong năm 2021, cao hơn đáng kể với mức 2,2% trong năm 2020, là một thành tích ấn tượng nếu đem so sánh với một loạt các nền kinh tế lớn khác trên thế giới. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III và quý IV/2021 của nền kinh tế số 2 thế giới lần lượt chỉ là 4,9% và 4% cho thấy Trung Quốc đang phải đối diện với không ít rủi ro giảm phát.

Nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 được hỗ trợ bởi tình hình xuất khẩu khởi sắc. Kim ngạch nhập khẩu thường niên của quốc gia này đã tăng tới 30,1% trong năm qua, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng tới 29,9%. Tuy nhiên, đã xuất hiện không ít những dấu hiệu cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng giảm xuống trong nửa cuối năm 2021, cho dù chưa có ảnh hưởng quá lớn tới tình hình tăng trưởng GDP nói chung.

Trong khi đó tại Mỹ, lạm phát đã tăng mạnh trong năm qua với tốc độ cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, khi mà chi phí thực phẩm, xăng dầu, nhà ở và nhiều hàng hóa thiết yếu khác đã ít nhiều làm vơi bớt túi tiền của người dân, "quét sạch" số tiền lương tăng thêm mà họ đã nhận được trong thời kỳ thiếu hụt lao động trầm trọng.

2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với những "cơn gió chướng" vô cùng nan giải. 

Zero-Covid tại Trung Quốc

Mức tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2022 chính là mục tiêu "ít tham vọng" nhất mà Trung Quốc đặt ra trong vài thập kỷ trở lại đây, trong bối cảnh quốc gia này đã ý thức được những thách thức phía trước khi thực hiện các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, bên cạnh đó là tình hình phức tạp trên lãnh thổ Ukraine.

Cách tiếp cận Zero-Covid chính là "một cơn gió chướng đối với nền kinh tế vốn trên đà đi xuống của Trung Quốc", theo báo cáo của ngân hàng đầu tư Pháp Nataxis phát hành trong tháng 3 vừa qua.

Báo cáo này dự báo việc hạn chế đi lại trên toàn lãnh thổ Trung Quốc có thể sẽ thổi bay 1,8 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế quốc gia này trong quý I, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 18/4 tới.

Trong năm nay, Trung Quốc hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế từ 4% tới 4,5% nếu như họ tích cực đẩy mạnh bao phủ vaccine tới cuối tháng 4, theo Alicia García Herrero - nhà kinh tế học trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Nataxis. Cho dù Trung Quốc đã tiêm đủ liều vaccine cho gần 90% dân số nhưng số lượng người cao tuổi và người dân khu vực nông thôn chưa tiếp cận được với nguồn bảo vệ này vẫn còn tương đối lớn.

Iris Pang - nhà kinh tế học trưởng tại công ty tài chính Hà Lan ING - ước tính rằng GDP của Thượng Hải sẽ mất khoảng 6% nếu như các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hiện tại vẫn tiếp tục được áp dụng cho đến hết tháng 4 này, điều đó có thể kéo tụt 2% GDP của Trung Quốc. Cơ quan này cũng đã thay đổi dự báo của mình khi nhận định nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 4,6% trong năm nay, thấp hơn 0,2% so với dự báo trước đó.

Cơn gió chướng với Mỹ và Trung Quốc - 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới - 1

Trung Quốc cho phong tỏa toàn bộ thành phố Thượng Hải nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: The Economist).

Tuy nhiên, những lời cảnh báo mạnh mẽ nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc lại tới từ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Trong một cuộc họp tổ chức hôm 11/4 vừa qua, ông Lý Khắc Cường cho biết áp lực giảm phát đối với nền kinh tế đã tăng lên rõ rệt và các quan chức địa phương phải hành động với quan điểm "khẩn trương" nhằm tạo ra những biện pháp hỗ trợ, ví dụ như các dự án cơ sở hạ tầng và giảm thu thuế.

Không nghi ngờ gì nữa, các biện pháp phong tỏa trên diện rộng tại Trung Quốc đang kéo tụt hoạt động sản xuất tại quốc gia này.

Trong tháng 3 vừa qua, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã giảm xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng 2 năm liên quan tới những gián đoạn bắt nguồn từ các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều đơn hàng xuất khẩu cũng đã bị hủy bỏ trong bối cảnh bất ổn tăng cao do liên quan tới tình hình căng thẳng tại Ukraine, theo chỉ số công bố hàng tháng bởi Caixin/Markit.

"Trong quý I, hoạt động sản xuất tiếp tục đánh mất đà tăng trưởng, trong khi tình hình bán lẻ không có nhiều khởi sắc, vốn đã bắt nguồn từ trước khi các lệnh phong tỏa được áp dụng", Shehzad Qazi - Giám đốc điều hành công ty theo dõi dữ liệu kinh tế China Beige Book - chia sẻ với Quartz.

Trong tháng cuối cùng của quý I, thủ phủ công nghệ Thâm Quyến đã thực hiện phong tỏa trong một tuần lễ, trong khi đó, Thượng Hải cho phong tỏa thành phố theo hai khu vực từ ngày 28/3 và tính tới thời điểm hiện tại, biện pháp này vẫn còn hiệu lực. Một phân tích ước tính nếu như Thượng Hải bị phong tỏa trong một tuần, GDP của Trung Quốc có thể sụt giảm tới 2,7%. Đối với một lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần, nền kinh tế thành phố này sẽ thiệt hại khoảng 20 tỷ USD.

Ngày 11/4 vừa qua, chính quyền thành phố đã cho nới lỏng các biện pháp phòng dịch tại các khu vực không có ca nhiễm mới, nhưng phần lớn thành phố vẫn đang bị phong tỏa nghiêm ngặt. Hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa tại các cảng biển bị đình trệ. Trong khi đó, giá cả tại nhà máy cũng đã tăng 8,3% trong tháng 3, cao hơn so với dự báo trước đó.

Bắc Kinh trong nhiều năm đã nỗ lực chuyển hướng tăng trưởng từ dựa vào đầu tư cơ sở hạ tầng sang tiêu dùng nội địa. Nhưng chính sách zero-Covid có thể sẽ khiến quốc gia này trở lại với động lực tăng trưởng trước kia của mình.

"Để có thể hoàn thành được mục tiêu, một điều bạn có thể làm đó chính là tăng cường hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng điều đó có thể sẽ đẩy chính phủ Trung Quốc ra xa khỏi kế hoạch giảm nợ, giảm rủi ro và nhiều chính sách khác mà chính phủ muốn áp dụng nhằm tái cân bằng lại nền kinh tế", George Magnus - chuyên gia phân tích độc lập, nguyên nhà kinh tế học trưởng tại ngân hàng UBS - chia sẻ với Quartz.

Chính quyền các địa phương đã cam kết chi ra khoảng 2.300 tỷ USD cho các dự án xây dựng trong năm nay, theo Bloomberg. Bắc Kinh cũng đã công bố một kế hoạch cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ trị giá 400 tỷ USD.

Trung Quốc vẫn chưa áp dụng các biện pháp hỗ trợ cầu, ví dụ như các khoản trợ cấp tiền mặt ở Mỹ, hoặc phiếu ưu đãi mua sắm tại Hồng Kông. Cho dù doanh thu bán lẻ hai tháng đầu tiên của năm 2022 tăng cao hơn so với dự báo, tháng 3 có thể sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thêm vào đó, quá trình thanh trừng lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng và sức mua của giới trẻ, trong đó bao gồm 11.000 sinh viên đại học sắp ra trường.

Cơn gió chướng với Mỹ và Trung Quốc - 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới - 2

Nhà máy Tesla tại Thượng Hải phải đóng cửa trong giai đoạn phong tỏa phòng dịch (Ảnh: Bloomberg).

"Điều đang ngày càng rõ ràng hơn chính là tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phụ thuộc lớn vào các chính sách phòng dịch của quốc gia này trong thời gian tới, và mọi thành tựu tăng trưởng đều có thể đổ sông đổ bể vì những thay đổi chóng mặt từ phía chính quyền", Qazi, từ Beige Book, chia sẻ với Quartz.

Lạm phát tại Mỹ

Đà tăng giá đang lan rộng trên khắp các nền kinh tế Mỹ. Giá xăng đã tăng phi mã tới 48% trong vòng 12 tháng qua. Giá xe hơi đã qua sử dụng cũng tăng mạnh 35%, cho dù đã có sự sụt giảm trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua. Giá hàng hóa tạp phẩm cũng đã tăng 10%, góp phần vào đà tăng giá này là mức tăng 18% đối với thịt hun khói và cam.

"Lạm phát vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát", theo Christopher Rupkey, nhà kinh tế học trưởng tại công ty nghiên cứu FWDBONDS LLC.

Dữ liệu lạm phát trong tháng 3 là lần công bố đầu tiên có tính tới đà tăng giá năng lượng sau khi Nga đẩy mạnh hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine vào ngày 24/2. Chiến dịch quân sự của Nga đã kích hoạt một loạt các lệnh trừng phạt từ các quốc gia phương Tây, gây ra nhiều xáo trộn trên thị trường năng lượng và lương thực toàn cầu.

Đà gia tăng lạm phát nổ ra trong bối cảnh thị trường việc làm có không ít những dấu hiệu lạc quan, và nền kinh tế Mỹ đang có những bước tăng trưởng vững chãi. Trong tháng 3, các doanh nghiệp đã bổ sung thêm 431.000 việc làm mới, đánh dấu tháng 11 liên tiếp thị trường có ít nhất 400.000 việc làm mới được tạo ra. Trong năm 2021, có tổng cộng 6,7 triệu việc làm mới, mức cao nhất trong một năm từng được ghi nhận. Tỷ lệ người lao động nghỉ việc cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 1968, và tỷ lệ thất nghiệp chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với mốc thấp nhất trong vòng 50 năm.

Đà tăng giá năng lượng, mối đe dọa đối với sức mạnh nền kinh tế Mỹ trong dài hạn, đã khiến chi phí vận tải hàng hóa tăng lên xuyên suốt nền kinh tế, và người tiêu dùng chính là "nạn nhân". Thực trạng này được cảm nhận rõ nhất tại các trụ bơm xăng trên toàn lãnh thổ nước Mỹ.

Những thống kê lạm phát mới nhất củng cố kỳ vọng Fed sẽ quyết liệt gia tăng lãi suất trong một vài tháng tới, nhờ vào tác dụng kéo giảm tiêu dùng và các khoản vay để hạ nhiệt lạm phát.

Kathy Bostjancic, nhà kinh tế học đến từ Oxford Economics, cho biết bà dự báo lạm phát có thể chạm ngưỡng 9% trong tháng 5, trước khi tiến vào chu kỳ "hạ nhiệt". Một vài chuyên gia kinh tế khác cũng đưa ra nhận định rằng lạm phát đã gần hoặc chạm đỉnh. Với việc các gói hỗ trợ liên bang đã hết hạn, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ giảm xuống do mức tăng lương đang thấp hơn so với đà tăng giá cả hàng hóa. Các hộ gia đình sẽ phải sử dụng nhiều hơn các khoản tiết kiệm của mình và Fed sẽ quyết liệt gia tăng lãi suất. Những điều đó cộng tại sẽ giúp kéo giảm lạm phát.

Tuy nhiên sẽ phải mất thời gian. Chi tiêu và thu nhập người lao động tăng lên, bên cạnh đó là sự thiếu hụt nguồn cung hàng hóa vẫn đang âm thầm giúp lạm phát liên tục đạt đỉnh. Ngoài ra, chi phí nhà ở, vốn đóng góp lớn vào chỉ số giá tiêu dùng, cũng đã tăng mạnh, và đây là xu hướng rất khó để có thể đảo chiều trong tương lai gần.

Cơn gió chướng với Mỹ và Trung Quốc - 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới - 3

Giá xăng tăng mạnh tại thị trường Mỹ (Ảnh: The New York Times).

Tốc độ tăng lãi suất nhanh của Fed sẽ khiến cho chi phí các khoản vay trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Lãi suất các khoản vay thế chấp, vốn không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Fed, cũng đã tăng phi mã trong một vài tuần trở lại đây. Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết họ lo lắng rằng Fed đã chờ đợi quá lâu để nâng lãi suất, và việc gia tăng lãi suất một cách quyết liệt hoàn toàn có thể châm ngòi cho một giai đoạn suy thoái.

Kỳ vọng lạm phát tại Mỹ trong vòng 12 tháng tới đã chạm ngưỡng cao nhất 6,6% trong một khảo sát thực hiện bởi Fed New York từ năm 2013. Người lao động sẽ đòi hỏi mức thu nhập cao hơn khi kỳ vọng lạm phát tăng lên. Các doanh nghiệp theo đó cũng tăng giá bán sản phẩm để bù vào khoản chi phí nhân công bổ sung. Thực trạng này có thể tạo nên một vòng xoáy lương - giá, điều mà Mỹ chưa từng gặp phải trong khoảng 50 năm qua.

Thu nhập của nhiều người dân Mỹ đã có phần được cải thiện trong thời gian qua, nhưng lạm phát đã "xóa sổ" những khoản tăng công ít ỏi đó. Trong tháng 2, sau khi tính tới cả yếu tố lạm phát, mức lương trung bình theo giờ tại Mỹ đã giảm 2,7% so với một năm trước đó. Đó là tháng thứ 12 liên tiếp, mức lương đã tính tới lạm phát của người lao động sụt giảm.

Tại Atlanta, Shirley Hughes buộc phải tăng giá các sản phẩm trong cửa hàng bánh mì của mình, có tên gọi Sweet Cheats, khi chi phí các nguyên liệu đầu vào như trứng và sữa tăng mạnh. 2 năm trước, một hộp bơ nặng hơn 16 kg có giá 75 USD còn hiện tại giá đã lên tới 145 USD. 3 tá trứng từng có giá 50 USD, còn bây giờ là 75 USD. Nhưng đó là mức giá mà cô phải tự đến lấy thay vì sử dụng dịch vụ giao hàng. Bởi vậy, cô đã buộc phải tăng giá sản phẩm bánh mì trong cửa hàng thêm 5 USD.

Hiện tại, nhiều người vẫn chấp nhận mức giá mới này. Nhưng con số đó không nhiều. Một khách hàng muốn cô giao một chiếc bánh kem tới nhà bạn trai của cô ấy, với quãng đường một giờ lái xe, Hughes cho biết, mức giá cuối cùng có thể lên tới gần 200 USD.

Triển vọng đối với cả hai nền kinh tế

Trong báo cáo thường niên gửi các thành viên tham dự phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo hạ mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay từ 6% xuống còn 5,5%, trong bối cảnh đà phục hồi nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều trắc trở trước các làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới và cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng như đà đi xuống của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, mục tiêu 5,5% cũng là tương đối thử thách đối với nền kinh tế số 2 thế giới.

Hai tác giả Eva Dou và Christian Shepherd, viết trong một bài báo đăng tải trên tờ The Washington Post rằng tồn tại một sự không chắc chắn về sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chiến dịch thanh trừng được đẩy mạnh và vị thế mờ nhạt của Trung Quốc trong quá trình giải quyết cuộc xung đột nghiêm trọng tại châu Âu.

Cơn gió chướng với Mỹ và Trung Quốc - 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới - 4

Đường phố Thượng Hải vắng người qua lại trong giai đoạn phong tỏa (Ảnh: Bloomberg).

Nhiều quốc gia phương Tây đã bóng gió về các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc nếu như quốc gia này hỗ trợ kinh tế hoặc quân sự đối với Liên bang Nga.

Hồi năm ngoái, như là một phần trong nỗ lực tái thiết nền kinh tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khởi xướng chiến lược "Thịnh vượng chung" nhằm mục tiêu tái phân bổ tài sản xã hội, đẩy lùi cạnh tranh thiếu công bằng và kiểm soát tỷ lệ dư nợ trong những lĩnh vực dễ phát sinh bong bóng như bất động sản, theo The Washington Post.

Bên cạnh sự chưa rõ ràng về định hướng và tốc độ thực hiện quá trình cải cách của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chúng ta còn phải đề cập tới những lo ngại xung quan nỗ lực đứng ngoài cuộc xung đột Nga - Ukraine cuối cùng sẽ đổ sông, đổ bể.

Bắc Kinh khẳng định họ ở vị thế trung lập, nhưng các nhà kinh tế học cảnh báo rằng việc Trung Quốc không lên tiếng chỉ trích hành động của Nga và tiếp tục mối quan hệ kinh tế bình thường với quốc gia này, với tư cách là một đối tác chiến lược, có thể sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ của nền kinh tế số 2 thế giới với các đối tác quan trọng khác, trong đó bao gồm Liên Minh châu Âu, Mỹ, Australia và Nhật Bản.

Những mối lo kể trên xuất phát từ mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa Mỹ và Trung Quốc trên các lĩnh vực thương mại và công nghệ, trong đó bao gồm khả năng cổ phiếu của Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, điều đã kích động một làn sóng bán tháo cổ phiếu Trung Quốc hồi tuần trước.

Hôm 10/4 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui đã lên tiếng khuyến khích các doanh nghiệp nước mình tại Nga nắm bắt cơ hội từ cuộc khủng hoảng, qua đó điều chỉnh mô hình kinh doanh của họ để lấp đầy các "chỗ trống" đang hiện hữu trên thị trường Nga.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lại tỏ ra khá lưỡng lự hoặc không thể gia tăng hoạt động kinh doanh tại Nga một phần là vì họ lo ngại các lệnh trừng phạt nhắm vào mình.

Đà tăng giá năng lượng và thực phẩm toàn cầu sau khi căng thẳng leo thang cũng chính là những cơn gió chướng đối với nền kinh tế Trung Quốc, một quốc gia nhập khẩu lớn các mặt hàng như dầu, khí đốt, lúa mạch.

Cùng với việc lãi suất tại Mỹ sẽ gia tăng mạnh trong năm nay, các cú sốc từ cuộc xung đột có thể sẽ kéo giảm tăng trưởng và gia tăng tình trạng bất ổn tại nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới, qua đó sẽ gián tiếp làm sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc. Đây chắc chắn là thông tin tiêu cực đối với tăng trưởng của quốc gia này trong năm nay.

Về phía Mỹ, lạm phát gia tăng, giá năng lượng tăng cao, sự đứt gãy chuỗi cung ứng, cuộc xung đột tại Ukraine, thị trường việc làm bất ổn định và mức lãi suất thấp chính là những yếu tố khiến cho triển vọng ngắn và trung hạn của nền kinh tế quốc gia này trở nên cực kỳ khó đoán.

Michael Jones, giáo sự kinh tế học tới từ Trường đại học Cincinnati, gần đây đã trả lời phỏng vấn trong chương trình "The Kentucky Side", nhằm trao đổi về những mối lo ngại mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối diện.

Có lẽ vấn đề đáng ngại nhất đối với người dân Mỹ là đà tăng giá nhiên liệu, cho dù ông nhấn mạnh tình trạng tăng giá hàng hóa đã diễn ra trong một khoảng thời gian.

"Hồi tuần trước, giá xăng đã tăng lên ngưỡng 4 USD/gallon, trong khi đó, chỉ một tháng trước thôi, con số này là 2,5 USD/gallon. Đà tăng giá một phần bắt nguồn từ các vấn đề chuỗi cung ứng", Jones chia sẻ.

May mắn thay, Jones nhấn mạnh rằng Mỹ chỉ nhập khẩu từ 4-5% nhu cầu năng lượng của mình từ Nga. Tuy nhiên, ông cho biết, chúng ta không thể làm gì nhiều trong ngắn hạn để có thể thành công kiểm soát đà tăng giá dầu.

Cơn gió chướng với Mỹ và Trung Quốc - 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới - 5

Lạm phát tại Mỹ tăng cao nhất trong vòng hơn 40 năm qua (Ảnh: BBC).

"Nếu như bạn nói chuyện với các nhà sản xuất của Mỹ, họ đang phải đối diện với những vấn đề chuỗi cung ứng tương tự như các ngành công nghiệp khác. Họ sẽ nói với bạn rằng "chúng tôi không thể tìm được người lao động; chúng tôi gặp khó trong việc nhập thiết bị'", Jones nói và cho rằng đà tăng giá nhiên liệu chỉ là một phần nhỏ trong "một câu chuyện lớn hơn" về lạm phát.

"Chúng ta vừa được chứng kiến mức giá tăng tới 8% so với cùng kỳ năm trước đó. Và năng lượng đóng góp một phần không nhỏ trong đà tăng này", Jones chia sẻ và cho rằng: "Khi người tiêu dùng có ít tiền hơn, họ sẽ chi tiêu ít hơn". Đó là thông tin không mấy tích cực đối với tăng trưởng kinh tế.

Một công cụ thường được sử dụng để kiểm soát lạm phát là tăng lãi suất, theo Jones, "đã ở mức rất thấp trong một khoảng thời gian dài".

"Nếu như bạn muốn kéo giảm lạm phát, bạn buộc phải tăng lãi suất. Đó là điều không hề dễ dàng đối với người tiêu dùng vì họ không thể đi vay hoặc chi tiêu nhiều như trước nữa", ông chia sẻ.

Và đó chính là điều mà Fed đã làm sau cuộc họp của mình trong tháng 3 vừa qua.

Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo đối với nền kinh tế Mỹ.

Có nhiều hơn các chuyên gia dự báo hiện tin rằng một giai đoạn suy thoái là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi Fed đẩy mạnh quá trình tăng lãi suất của mình nhằm đối phó với tình hình lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong một cuộc khảo sát thực hiện bởi Momentive, có tới 81% người lớn được hỏi cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2022. Cuộc khảo sát trực tuyến này được thực hiện trong khoảng thời gian từ 23-24/3, với sự tham gia của hơn 4.000 người.

Có một điều chắc chắn rằng, cơn đau đầu của Fed sẽ chưa sớm chấm dứt.

Nội dung: Hoàng Đại