Rủi ro ở Trung Quốc, Mỹ gia tăng: Suy thoái kinh tế toàn cầu đang đến?
(Dân trí) - Cuộc chiến ở Ukraine cùng với chính sách chống Covid-19 của Trung Quốc là những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dù hầu hết nhà kinh tế cho rằng suy thoái khó xảy ra trong năm nay.
Nhưng có thể thế giới đang đối mặt với một cuộc suy thoái khác?
Khi nền kinh tế toàn cầu đang gắng gượng hồi phục từ đại dịch Covid-19, một loạt rủi ro ngày càng tăng đang bao phủ lên triển vọng kinh tế toàn cầu, dù các nhà kinh tế vẫn tin rằng một cuộc suy thoái trong năm nay là tương đối khó xảy ra.
Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine, các lệnh trừng phạt Nga, chính sách "zero covid" của Trung Quốc, lạm phát tăng vọt và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đều là những yếu tố có thể làm tăng trưởng kinh tế chậm lại trong năm 2022.
Câu hỏi đặt ra là liệu nếu những yếu tố này trở nên xấu hơn và những lựa chọn chính sách không hợp lý có thể khiến nền kinh tế toàn cầu từ chậm lại thành suy thoái hay không?
"Các cuộc suy thoái cực kỳ khó đoán, thậm chí với cả những nhà dự báo giỏi. Chúng ta chỉ có biết đó là một cuộc suy thoái khi đang trải qua, chứ không phải báo trước", Tara Sinclair, giáo sư kinh tế tại Đại học George Washington ở Washington, DC, nói với Al Jazeera.
Tại Mỹ, Fed đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hạ nhiệt lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất trong 40 năm, mà không phải tăng lãi suất quá mạnh dẫn đến suy thoái kinh tế. Trong lịch sử, ngân hàng trung ương này đã từng phải vật lộn để thực hiện "cuộc hạ cánh mềm" như vậy. Đó là vào năm 1994 khi Chủ tịch Fed lúc đó là ông Alan Greenspan đã tăng gấp đối lãi suất cơ bản mà không "giết chết" tăng trưởng kinh tế.
Sự sụt giảm của nền kinh tế lớn nhất thế giới, được ghi nhận với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ vào năm ngoái, sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu, làm nền kinh tế có nguy cơ giảm trở lại trong 2 năm sau khi giảm 4,3% do đại dịch.
Trong một bài phát biểu vào tháng trước, ông Bill Dudley, cựu Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang New York, cảnh báo suy thoái hiện "khó tránh khỏi" khi Fed đã chờ quá lâu để thắt chặt chính sách.
Song Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh ngân hàng trung ương "có nhiều khả năng" đạt được cú hạ cánh mềm. Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất ít nhất 6 lần trong năm nay sau khi tăng 0,25% vào tháng trước.
Một dấu hiệu cảnh báo khác trong những tuần gần đây là sự đảo ngược của đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn lẫn dài hạn. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang trở nên bi quan hơn về triển vọng kinh tế trong ngắn hạn.
Đường cong lợi suất đảo ngược xảy ra khi các nhà đầu tư quay lưng lại với cổ phiếu và chuyển sang các trái phiếu ít rủi ro hơn. Điều này từng xảy ra trước 8 cuộc suy thoái ở Mỹ kể từ năm 1955.
Tuy vậy, cho tới nay các nhà kinh tế dường như lạc quan hơn về kinh tế Mỹ so với công chúng Mỹ nói chung. Trong cuộc thăm dò do CNBC thực hiện vào tháng trước, 81% người trưởng thành ở Mỹ cho rằng suy thoái có thể xảy ra trong năm nay. Song ở chiều ngược lại, các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng tỷ lệ để kinh tế Mỹ xảy ra suy thoái trong năm tới là 20-35%.
"Gói kích thích hạ tầng của ông Biden sẽ phát huy tác dụng. Nó có thể không cứu được Đảng Dân chủ giữa nhiệm kỳ nhưng có thể cứu nền kinh tế Mỹ", ông Tim Harcourt, nhà kinh tế trưởng tại Viện Quản trị và Chính sách Công tại Đại học Công nghệ Sydney, nói và cho rằng kinh tế Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng do phong tỏa Thượng Hải mới đây.
Mặc dù cho đến nay, các nền kinh tế đã tương đối vượt qua được cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga, song khả năng leo thang chiến sự và các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn vẫn là những yếu tố rủi ro trong những tháng tới.
Châu Âu mới đây đã thông qua lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga, bắt đầu với lệnh cấm nhập khẩu than đá, song ngày càng có nhiều lời kêu gọi mở rộng lệnh cấm đối với cả dầu và khí đốt của Nga vốn chiếm 40% và 1/3 nguồn cung của lục địa này.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tin rằng các biện pháp nhắm vào dầu và khí đốt của Nga "sớm hay muộn" cũng sẽ được áp đặt, một động thái có thể khiến giá năng lượng tăng cao hơn.
Trong khi đó, chính sách không khoan nhượng với Covid-19 của Trung Quốc bằng cách thực hiện các biện pháp phong tỏa và kiểm soát chặt biên giới đang làm tiêu dùng nội địa nước này sụt giảm và làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn thương mại toàn cầu.
Tại Thượng Hải, nơi có cảng container nhộn nhịp nhất thế giới đã thực hiện đóng cửa trong 2 tuần khiến hàng trăm con tàu phải xếp hàng để chờ được dỡ hàng trong những tuần gần đây.
Carsten Holz, một chuyên gia về nền kinh tế Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cho rằng Trung Quốc khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm nay.
Tuy nhiên, các nhà dự báo cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhìn chung vẫn lạc quan. Trong triển vọng kinh tế mới nhất vừa công bố hôm 6/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ tăng 5,2% trong năm nay và 5,3% trong năm 2023, giảm nhẹ so với dự báo trước đó.
Trinh Nguyen, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Natixis ở Hồng Kông, cho rằng một cuộc suy thoái toàn cầu vẫn "khó xảy ra" vào năm 2022.