1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cơn bán tháo HBC chưa dừng, Xây dựng Hòa Bình trấn an về viễn cảnh sắp tới

Mai Chi

(Dân trí) - Một số cổ phiếu như HNG, LDG đã được "giải cứu" thành công phiên hôm nay, QCG thậm chí tăng trần nhưng HBC vẫn bị bán tháo bất chấp công ty đã lên tiếng về vấn đề chuyển sàn.

Thanh khoản cải thiện, HBC vẫn bị "nhốt sàn"

Trong khi một số cổ phiếu đã được giải cứu thành công và thậm chí tăng trần (như QCG) thì cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình vẫn chịu áp lực bán tháo rất mạnh.

Suốt phiên giao dịch hôm nay (30/7), cổ phiếu này chưa thể thoát khỏi mức sàn mà vẫn bị mắc lại tại mức giá 6.280 đồng do khối lượng dư bán sàn lớn. Khớp lệnh cả phiên của HBC đạt hơn 1 triệu đơn vị, cải thiện mạnh so với các phiên trước, nhưng dư bán sàn còn tới 8,47 triệu cổ phiếu.

Mã cổ phiếu của công ty do ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã có 4 phiên giảm liên tục, trong đó 2 phiên giảm sàn sau thông tin bị HoSE hủy niêm yết bắt buộc. Tính trong 1 tuần, HBC giảm 12,29% thị giá và giảm 18,23% so với đầu tháng 7.

Cơn bán tháo HBC chưa dừng, Xây dựng Hòa Bình trấn an về viễn cảnh sắp tới - 1

Giao dịch tại HBC trong phiên 30/7 (Nguồn: VDSC).

Việc chuyển sàn dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 8. Việc HoSE hủy niêm yết đối với cổ phiếu HBC do tổng số lỗ lũy kế của Hòa Bình tại ngày 31/12/2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 2.741 tỷ đồng.

Tại báo cáo thường niên năm 2023 của Hòa Bình, ông Lê Viết Hải trên tư cách là người đứng đầu đã "xin thành khẩn nhận trách nhiệm khi năm 2023 vừa qua, đã không đưa Hòa Bình phát triển theo đúng mục tiêu, kế hoạch đã đề ra của tập đoàn".

Ông Hải cũng nhắc đến câu chuyện không mong muốn trong năm 2023 - cuộc "nội chiến" trong HĐQT diễn ra vào ngày giáp Tết Nguyên đán - khi ông vốn định lui về phía sau nhưng phải quay trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT để chèo lái tập đoàn.

Về vấn đề sau hủy niêm yết, trong thông tin đăng tải trên website của tập đoàn này, Hòa Bình cho biết, dự kiến gần 347,2 triệu cổ phiếu HBC sẽ chuyển sàn giao dịch từ HoSE sang sàn UPCoM thuộc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) nhằm đảm bảo quyền lợi giao dịch của cổ đông.

Phía doanh nghiệp nhấn mạnh việc chuyển sàn sang UPCoM không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cơ bản của cổ đông. Đồng thời khẳng định, sau giai đoạn có nhiều biến cố, Hòa Bình đang dần cải thiện các chỉ số về tài chính, cam kết rằng trong 2 năm tới cổ phiếu HBC sẽ được tăng trưởng tốt và sớm niêm yết trở lại giao dịch trên sàn HoSE.

Cú giảm chớp nhoáng cuối phiên

Giằng co trong phiên sáng và đột ngột điều chỉnh ở phiên chiều, thị trường chứng khoán phiên hôm nay khiến nhiều nhà đầu tư phải đứng tim. Cú "flash sale" (giảm chớp nhoáng) khiến VN-Index có lúc nhúng về dưới ngưỡng 1.240 điểm song chưa đủ để kích thích dòng tiền.

Kết phiên, chỉ số đại diện sàn HoSE chỉ giảm nhẹ 1,54 điểm tương ứng 0,12% còn 1.245,06 điểm; HNX-Index giảm 1,65 điểm tương ứng 0,69% và UPCoM-Index giảm 0,22 điểm tương ứng 0,23%. Toàn thị trường có 524 mã giảm, 28 mã giảm sàn so với 331 mã tăng, 23 mã tăng trần.

Thanh khoản thấp, đạt 653,07 triệu cổ phiếu trên HoSE tương ứng 13.739,01 tỷ đồng và 54,23 triệu cổ phiếu tương ứng 985,26 tỷ đồng trên HNX. UPCoM có 32,8 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 510,65 tỷ đồng.

Ngành thực phẩm hôm nay chứng kiến hoạt động giải cứu thành công với cổ phiếu HNG. Mã này thoát sàn nhưng đóng cửa vẫn giảm sâu 5,5% còn 4.100 đồng, khớp lệnh đạt 16,4 triệu đơn vị.

Tuy vậy, CMX và DBC lại bị bán tháo, trong đó, CMX khớp lệnh 4,19 triệu đơn vị còn DBC khớp lệnh 13,46 triệu đơn vị. Cả 2 mã này đều dư bán sàn và trắng bên mua.

Cổ phiếu ngành xây dựng ngoài HBC giảm sàn còn có DXV, tuy nhiên, thanh khoản tại DXV rất khiêm tốn. TCR, HU1 và HVH thoát sàn.

Tại ngành bất động sản, QCG vẫn dư mua giá trần 1,77 triệu cổ phiếu trong khi khớp lệnh chỉ đạt 757.000 đơn vị, cho thấy nguồn cung rất hạn chế. VRC tăng 6,3%; VPH tăng 4,4%; ITA tăng 4,1%; NVL tăng 3,6%. Chiều ngược lại, DRH giảm sàn, LDG thoát sàn với khớp lệnh 25 triệu cổ phiếu, đóng cửa giảm 5,7%; NVT cũng thoát sàn, giảm 5,2%.

Cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò tích cực trong việc dẫn dắt thị trường hồi phục. VN30-Index tăng 2,09 điểm tương ứng 0,16% dù chỉ có 11 mã tăng. Trong đó, cổ phiếu "vua" gồm VCB, HDB, SHB, VPB, TCB tăng nhẹ, VIC tăng 1,4%; MWG tăng 1,6%; MBB tăng 1,7%.

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm