Thiếu gia Cường "Đô La" xuất hiện, cổ phiếu QCG cháy hàng phiên thứ 2
(Dân trí) - Mức lỗ trong tài khoản những nhà đầu tư nắm giữ QCG đang dần thu hẹp đáng kể khi mã này tiếp tục tăng trần. Ông Nguyễn Quốc Cường sáng nay xuất hiện tại phiên họp cổ đông thường niên.
Người giữ cổ phiếu QCG giảm lỗ
Phiên sáng nay (30/7), cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai tăng giá nhưng không lập tức tăng trần. Mức giá trung bình giao dịch trong phiên sáng là 7.220 đồng/đơn vị, dù vậy, đến hết phiên sáng, mức giá đã tăng kịch trần lên 7.240 đồng.
Khớp lệnh tại QCG sáng nay đạt 718.000 cổ phiếu trong khi các lệnh bán đã được quét sạch sẽ, dư mua giá trần 859.300 đơn vị. Những người nắm giữ cổ phiếu QCG tiếp tục thu hẹp được mức thiệt hại, trong khi nhóm nhà đầu tư bắt đáy thành công phiên hôm qua gia tăng mức lãi.
Mức thị giá lúc này của QCG vẫn thấp hơn thời điểm đầu tháng 7 tới 46,57% và giảm 25,74% so với thời điểm bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt hôm 19/7.
Trước đó, QCG có 6 phiên giảm sàn liên tiếp từ ngày 19/7 đến 26/7. Theo quy định, công ty phải giải trình khi cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liền (tức sau phiên 25/7).
Trong văn bản gửi HoSE đề ngày 27/7, Quốc Cường Gia Lai cho biết, diễn biến trên sàn của cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng bởi việc bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng giám đốc công ty - bị khởi tố và tạm giam để phục vụ điều tra liên quan dự án 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TPHCM.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai, một phần nguyên nhân nữa còn do cung cầu của thị trường. Hoạt động mua - bán cổ phiếu do các nhà đầu tư tự quyết định và nằm ngoài sự kiểm soát của công ty. "Công ty không có bất cứ sự tác động nào đến giá giao dịch trên thị trường" - ông Nguyễn Quốc Cường, tân Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai, nêu tại văn bản trên.
Sáng nay, QCG hồi phục mạnh với việc tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh doanh nghiệp này tổ chức thành công cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 lần 2. Nói với cổ đông, ông Nguyễn Quốc Cường khẳng định, tài chính của công ty "đang rất tốt, không có gì đáng lo ngại", còn nhiều tiềm năng và không có áp lực nợ trong ngắn hạn.
Về số tiền 2.882 tỷ đồng phải trả cho đối tác Sunny Island (trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), trao đổi bên lề cuộc họp với phóng viên báo Dân trí, ông Cường cho hay nguồn tiền đang được sắp xếp thông qua việc thoái vốn 3 dự án thủy điện (dự thu 1.000 tỷ đồng), xử lý hàng tồn kho các dự án (dự kiến thêm hơn 1.000 tỷ đồng nữa), cộng với doanh thu Marina Đà Nẵng.
LDG, HNG được "giải cứu"; HBC vẫn giảm sàn
Thị trường chứng khoán sáng nay diễn biến giằng co với thanh khoản thấp. VN-Index giảm 1,13 điểm tương ứng 0,09% còn 1.245,47 điểm; HNX-Index giảm 0,84 điểm tương ứng 0,35% và UPCoM-Index giảm 0,11 điểm tương ứng 0,12%.
Thanh khoản đạt 289,86 triệu cổ phiếu tương ứng 5.585,04 tỷ đồng trên HoSE; 22 triệu cổ phiếu tương ứng 401,98 tỷ đồng trên HNX và 13,17 triệu cổ phiếu tương ứng 194,35 tỷ đồng trên sàn UPCoM.
Phần lớn cổ phiếu bị cắt lỗ hoặc chốt lời ngắn hạn. Có vẻ như những nhà giao dịch ngắn hạn chỉ cần chờ giá cổ phiếu tăng là "lăn chốt", chấp nhận lãi ít hơn là thua lỗ. Số lượng cổ phiếu bị điều chỉnh trên HoSE là 256 mã so với 141 mã tăng; HNX có 83 mã bị điều chỉnh giá so với 42 mã tăng và UPCoM có 121 mã giảm, 103 mã tăng.
Trong nhóm bất động sản, cổ phiếu LDG đã được giải cứu thành công, từ mức sàn 1.960 đồng có thời điểm hồi phục về mức tham chiếu 2.100 đồng. Mã này hiện tại tạm dừng ở mức giá 2.010 đồng, ghi nhận giảm 4,3% và khớp lệnh 19,9 triệu đơn vị. Trong số này có hơn 9 triệu đơn vị được khớp tại mức sàn.
Cổ phiếu HNG của HAGL Agrico tương tự cũng thoát mức sàn 4.040 đồng và đang tạm thời dừng ở 4.130 đồng, giảm 4,8% và khớp lệnh đạt 13,9 triệu đơn vị. Khối lượng cổ phiếu được khớp ở mức sàn là hơn 7,5 triệu cổ phiếu HNG.
Riêng HBC của Xây dựng Hòa Bình tiếp tục "lau sàn" tại mức giá 6.280 đồng, khớp lệnh 974.700 cổ phiếu, dư bán giá sàn còn tới hơn 9 triệu đơn vị. Hai mã khác cùng ngành xây dựng, vật liệu giảm sàn là HU1 và TCR. Cổ phiếu DXV cũng giảm sâu 6,2%, có lúc giảm sàn.