Có “tiền tươi” chưa chắc đã xử lý hết nợ xấu?
(Dân trí) - Theo chia sẻ của Chủ tịch VAMC, do Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ nên nếu VAMC được cho tiền thật với cơ chế như hiện nay thì cũng không xử lý hết được nợ.
Đã “gom” trên 200.000 tỷ đồng nợ xấu
TS Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, tính từ ngày 1/1 đến 15/9, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của các TCTD được 11.108 khoản nợ tương ứng với 75.553 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua là 69.070 tỷ đồng của 37 tổ chức tín dụng (TCTD).
Lũy kế từ 2013 đến 15/9, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu đạt 204.228 tỷ đồng tổng giá trị dư nợ gốc nội bảng, 177.722 tỷ đồng giá mua nợ.
Cùng với việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), VAMC đã tích cực triển khai các công tác xử lý nợ xấu theo các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Đến nay, VAMC đã thực hiện thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo đạt 13.320 tỷ đồng.
Như vậy, theo thời gian, có thể thấy “VAMC là công cụ hữu hiệu trong quá trình xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước của Việt Nam, mà kết quả là sau hơn 2 năm đi vào hoạt động đã giúp cho các TCTD giảm được dư nợ xấu hơn 210.717 tỷ đồng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, tiếp cận được vốn vay của TCTD”, Chủ tịch VAMC nhận định.
Chưa có thị trường mua bán nợ xấu
Tuy nhiên, VAMC vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc của trong công tác xử lý nợ. So với thực trạng nợ xấu, tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn. Quá trình triển khai xử lý nợ xấu trong thời gian qua VAMC gặp phải một số khó khăn, bất cập.
Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp phát sinh nợ xấu tại một hoặc nhiều TCTD, nợ xấu đã được bán cho VAMC. Tuy nhiên, khi khách hàng đề nghị được cơ cấu lại nợ, xây dựng phương án để tiếp tục kinh doanh,
TCTD không đồng ý cho doanh nghiệp được tiếp tục vay vốn do tài sản đảm bảo kém, do tâm lý bị xử lý hình sự hóa sau khi cơ cấu nợ khách hàng không trả được nợ.
Đặc biệt, khách hàng lợi dụng việc bán nợ cho VAMC để không hợp tác với TCTD, thậm chí có yêu cầu VAMC thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi trong khi không có phương án kinh doanh khả thi, không đáp ứng được đúng điều kiện quy định. Điều này, theo ông Hùng, gây khó khăn và ảnh hưởng tới công tác thu hồi nợ theo uỷ quyền của VAMC đối với TCTD.
Bên cạnh đó, quá trình thu hồi nợ cũng có nhiều rắc rối khi VAMC không có quyền chủ động xử lý những khoản nợ xấu mua bằng TPĐB, không có nhiều vai trò định đoạt tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu đã mua.
Theo chia sẻ của ông Hùng, “từ năm 2016, VAMC xác định thực sự phải đi trên chính đôi chân của mình, do toàn bộ nợ xấu của từng TCTD đã về mức cho phép là 3% và Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần phải yêu cầu các TCTD bán nợ xấu cho VAMC”.
Tuy nhiên, các khó hiện nay là Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu. Đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định pháp luật, cụ thể Luật Đầu tư 2014 quy định: “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện” và Luật 69/2014/QH13 quy định “Doanh nghiệp được quyền bán nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không có khả năng thu hồi. Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán trực tiếp cho đối tượng nợ. Giá bán do các bên thỏa thuận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.
Như vậy, VAMC mua nợ xấu của các TCTD nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ.
Ông Hùng chia sẻ: “VAMC được cho tiền thật với cơ chế như hiện nay thì cũng không xử lý hết được nợ bởi chưa có thị trường mua bán nợ. Đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định của pháp luật. VAMC mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ”.
Được biết, trong thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc vơi VAMC để tìm hiểu thực tế hoạt động của VAMC, khuôn khổ pháp lý trong việc triển khai xử lý nợ, bán các khoản nợ xấu đã mua.
“Các nhà đầu tư kỳ vọng thực hiện việc mua bán nợ xấu qua VAMC luôn được đảm bảo về sự minh bạch, thuận lợi đối với thủ tục pháp lý liên quan đến khoản nợ…”, đại diện VAMC cho biết.
Nguyễn Hiền