1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nợ xấu ngân hàng: Thống đốc Bình lên tiếng

(Dân trí) - Thống đốc Bình cho rằng, nợ xấu ngân hàng có nguyên nhân từ việc cho phép thành lập và hoạt động nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trong thời gian trước đây, khi tín dụng tăng trưởng nhanh và năng lực quản trị, điều hành của ngân hàng thương mại cổ phần còn nhiều hạn chế.

Tạm dừng cấp phép lập ngân hàng mới

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An thuộc thẩm quyền giải quyết, xử lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do Ban Dân nguyện chuyển đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Trong đó, cử tri Long An đề nghị “xem xét lại việc cho phép hàng loạt các ngân hàng cổ phần hoạt động dẫn đến nợ xấu lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng; giải pháp và lộ trình xử lý nợ xấu hiện nay mang lại hiệu quả như thế nào chưa rõ”.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ việc cho phép thành lập và hoạt động nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trong thời gian trước đây khi tín dụng tăng trưởng nhanh và năng lực quản trị, điều hành của ngân hàng thương mại cổ phần còn nhiều hạn chế.

Thời gian qua, NHNN đã tạm dừng cấp phép thành lập ngân hàng mới để tập trung củng cố, chấn chỉnh các ngân hàng hiện có. Đồng thời, chỉ đạo việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD trên nguyên tắc tự nguyện và đúng quy định của pháp luật. Nhờ đó, số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm dần, đặc biệt là các TCTD yếu kém. Từ năm 2011 đến 15/6/2015, hệ thống TCTD đã giảm 15 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

 

Thống đốc Bình tin tưởng, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% đến cuối năm 2015 theo lộ trình là khả thi.

Thống đốc Bình tin tưởng, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% đến cuối năm 2015 theo lộ trình là khả thi.

Đối mặt nhiều thách thức

Cũng theo người đứng đầu ngành ngân hàng, NHNN đã tập trung hoàn thiện khung pháp lý, quy định an toàn về cấp tín dụng và mua, bán, xử lý nợ xấu như ban hành chuẩn mực mới chặt chẽ hơn về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro nhằm tạo cơ sở xác định, phản ánh hợp lý chất lượng tín dụng. Đồng thời, NHNN cũng đã trình Chính phủ ban hành các nghị định và thông tư liên quan đến vấn đề này.

Dữ liệu do Thống đốc Bình cho biết, từ năm 2012 đến nay, hệ thống các TCTD đã xử lý được 70% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012, đưa tỷ lệ nợ xấu theo số liệu giám sát của NHNN từ mức 17,21% tại thời điểm tháng 9/2012 về mức 3,81% vào thời điểm tháng 3/2015.

“Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh không dùng tiền từ ngân sách nhà nước và nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Qua đó, đã tạo điều kiện giúp các TCTD cải thiện nguồn vốn, khả năng chi trả và mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; Giảm mạnh mặt bằng lãi suất cho vay xuống mức chỉ bằng khoảng 40% lãi suất của nửa cuối năm 2011, thấp hơn mức lãi suất của năm 2005-2006; Thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các TCTD...”, Thống đốc Bình đánh giá.

Dẫu vậy, theo ông Bình, công tác xử lý nợ xấu của các TCTD vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu, các tài sản bảo đảm tiền vay; Trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu; Thị trường mua bán nợ chưa phát triển gây khó khăn cho việc mua bán nợ và tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, khung pháp lý về xử lý nợ, tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập, việc sửa đổi các Luật liên quan cần nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, mục tiêu xử lý nợ xấu; Khách hàng vay chưa chủ động cơ cấu lại hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, quản trị và tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh để trả nợ ngân hàng; Việc triển khai tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mới chỉ đạt được kết quả bước đầu, nhiều vấn đề tài chính và nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước chưa được đẩy mạnh xử lý...

Vì vậy, để xử lý vấn đề nợ xấu một cách triệt để, bên cạnh nỗ lực của ngành ngân hàng, Thống đốc Bình cho rằng, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ nguồn lực, hoàn thiện khung pháp lý, tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và thúc đẩy thị trường bất động sản, thị trường tài chính phát triển, hỗ trợ các TCTD thu hồi nợ, tài sản, kể cả đẩy nhanh việc điều tra, xét xử và thi hành các vụ án liên quan đến ngân hàng.

“Với việc tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua, sự nỗ lực của ngành ngân hàng và sự hỗ trợ tích cực của cả hệ thống chính trị, NHNN tin tưởng mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% đến cuối năm 2015 theo lộ trình là khả thi”, ông Bình nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền

 

 

Nợ xấu ngân hàng: Thống đốc Bình lên tiếng - 2