Phó thống đốc: Đã giảm 17 tổ chức tín dụng và 91,2% nợ xấu
Nhìn lại 3 năm tái cơ cấu ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015" ( Đề án 254) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình đề ra, như nhiều chuyên gia nhận xét là điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế.
Phát biểu tại hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng” chiều nay (5/10), Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định, sau hơn 3 năm triển khai Đề án 254, nhiều mụ tiêu quan trọng đã thực hiện được.
Cụ thể, về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các TCTD yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng. Các NHTM Nhà nước duy trì vị trí chủ đạo, đóng vai trò trụ cột trong việc giữ vững sự ổn định hệ thống các TCTD, luôn đi tiên phong, dẫn dắt thị trường và trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, là lực lượng chủ yếu, tích cực tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN.
Các TCTD tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính, đổi mới quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng; sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD diễn ra mạnh mẽ nhằm vừa xử lý những TCTD yếu kém vừa tăng quy mô, năng lực cạnh tranh của các TCTD. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép.
Về xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc cho hay, từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012), trong đó xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chiếm 41,3%, gần 60% nợ xấu còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp như như đôn đốc khách hang trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản đảm bảo, chuyển nợ thành vốn góp…
Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao thời điểm tháng 9/2012 đã về giảm về mức 3,21% tháng 8/2015, dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, các chuẩn mực mới về phân loại nợ đã được triển khai theo đúng lộ trình, làm cho nợ xấu trở nên minh bạch hơn và được phản ánh đầy đủ hơn.
“Kết quả đạt được đến nay cũng ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các TCTD, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước và nền kinh tế còn nhiều khó khăn”, Phó Thống đốc khẳng định.
Mặc dù đã đạt được kết quả nhất định trong xử lý nợ xấu, song lãnh đạo NHNN cũng cho rằng: “Lý thuyết và thực tiễn đã chỉ rõ: Nợ xấu là người đồng hành bất đắc dĩ của mọi TCTD, chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn rủi ro trong quá trình hoạt động của mỗi TCTD. Tuy nhiên, nhận biết, đo lường, đánh giá, kiểm soát và hạn chế nó thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được”.
Theo NHNN, nợ xấu do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có những nguyên nhân như thiên tai, môi trường kinh doanh biến động xấu, thị trường hàng hóa suy giảm, thị trường bất động sản đóng băng, năng lực quản trị của đoanh nghiệp yếu… là những nguyên nhân căn bản gây nên tình trạng nợ xấu này. Bởi vậy, với mọi quốc gia, vấn đề nợ xấu của các TCTD cũng là vấn đề của chính ngành kinh tế đó.
Do đó, để giải quyết tốt số nợ xấu tích tụ trong hệ thống ngân hàng thì với nỗ lực riêng của hệ thống ngân hàng là chưa đủ, cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đồng thời cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Theo Hà Tâm
Đầu tư