1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cơ cấu dân số trẻ, thẻ tín dụng nội địa còn nhiều dư địa phát triển?

Thảo Thu

(Dân trí) - Việt Nam quy mô 100 triệu dân nhưng mới có hơn 900.000 thẻ tín dụng nội địa. Đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa.

Số lượng thẻ tín dụng nội địa hiện còn quá thấp

Thông tin tại hội thảo Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt do Báo Lao động tổ chức ngày 21/5, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết đến hết tháng 3 năm nay, có 15 tổ chức phát hành thẻ tín dụng nội địa.

Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3 năm nay đạt trên 904.700 thẻ, tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%. Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong quý đầu năm đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị 10.000 tỷ đồng, tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%.

"Với 900.000 thẻ tín dụng nội địa trong khi quy mô dân số lên tới 100 triệu người thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa", ông Dũng nói.

Cơ cấu dân số trẻ, thẻ tín dụng nội địa còn nhiều dư địa phát triển? - 1

Cơ cấu dân số trẻ, thẻ tín dụng nội địa nhiều dư địa phát triển (Ảnh: Mỹ Tâm).

Theo ông, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số thịnh hành… thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh tiềm năng lớn từ thị trường thẻ tín dụng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn, không kém gì thẻ tín dụng quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc NAPAS - thông tin, thẻ tín dụng nội địa có các tính năng của thẻ tín dụng thông thường (như khách hàng chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi dài từ 45-55 ngày...), không chỉ thanh toán rộng rãi ở các điểm chấp nhận thanh toán trong nước mà còn sử dụng thanh toán/rút tiền ở một số quốc gia.

"Ngoài ra, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp", ông Minh thông tin.

"Thẻ tín dụng nội địa là phương thức hiệu quả giúp người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng và công ty tài chính, nhất là trong trường hợp khách hàng có phát sinh nhu cầu tài chính đột xuất thì không phải tìm đến hình thức cho vay tín dụng đen với lãi suất cao", ông Nguyễn Quang Minh nói.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc NAPAS cho biết số lượng thẻ tín dụng nội địa hiện nay còn quá thấp, khi chỉ bằng 8% thẻ tín dụng quốc tế và 0,6% thẻ toàn thị trường.

"Doanh số thanh toán hiện nay mới chỉ đạt 0,5-0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường. Doanh số này vẫn rất thấp so với tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa", ông Minh chia sẻ về dư địa phát triển thẻ tín dụng nội địa.

Còn nhiều tiềm năng mở rộng độ phủ thẻ tín dụng nội địa

Tham gia hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết thời gian qua, đơn vị này đã xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt gắn với đảm bảo an ninh, an toàn.

Lãnh đạo nhà điều hành tiền tệ nhấn mạnh các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, an toàn, mở rộng hạ tầng, mạng lưới chấp nhận thanh toán.

"Đồng thời, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm tiếp cận và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen", Phó thống đốc nhấn mạnh.

Cơ cấu dân số trẻ, thẻ tín dụng nội địa còn nhiều dư địa phát triển? - 2

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng tại hội thảo (Ảnh: BTC).

Ông Dũng cũng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến.

Đơn vị này khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục phối hợp xây dựng hệ sinh thái thẻ chip nội địa đa ứng dụng... kết hợp với các chính sách ưu đãi, khuyến mãi đối với khách hàng và đơn vị chấp nhận thanh toán để thu hút khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

"Ngân hàng Nhà nước, các thành viên thị trường tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính, trong đó có phương tiện về thẻ tín dụng nội địa, tập trung việc cung cấp đầy đủ thông tin, lợi ích, tính năng vượt trội, kỹ năng sử dụng, đảm bảo an toàn, bảo mật trong quá trình sử dụng", ông Dũng nói.