"Làm ngân hàng cả chục năm, tôi chả có cái thẻ tín dụng nào"

Nguyễn Hoàng Hải

(Dân trí) - Ông Nguyễn Hoàng Hải nói bên cạnh những thuận lợi được biết đến là tiện dụng cho việc tiêu trước trả sau thì thẻ tín dụng cũng có rủi ro. Từng làm ở ngân hàng cả chục năm, ông vẫn không dùng thẻ này.

Thẻ tín dụng (credit card) bên cạnh những mặt thuận lợi thì cũng có những mặt trái chúng ta ít khi ngờ tới.

Các ngân hàng thường thông tin về loại thẻ này "là loại thẻ bạn tiêu trước trả sau, không cần có tiền bạn vẫn mua được hàng hóa, trả tiền học phí cho con, hay chi tiêu khi cần gấp gáp thậm chí có thể rút tiền mặt ra để dùng".

Thường chúng ta sẽ trả hàng tháng vào một ngày cố định. Nếu trả đúng hạn hoặc trước hạn thì không bị tính lãi. Như thế thì người dùng lãi quá còn gì!

Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Thường người đi vay là những người có thu nhập ít ổn định mới phải tiêu lạm vào tiền vay. Và cuộc sống khó khăn hơn chúng ta nghĩ. Khi không trả nợ đúng hạn, có thể vì rất nhiều lý do: Bạn đi công tác, bạn quên, tiền lương công ty trả chậm hơn so với kế hoạch… Khi đó, bạn sẽ bị liệt vào nhóm "Nợ quá hạn". 

Bài toán hay bắt đầu từ đây. Lãi suất quá hạn thẻ tín dụng không hề rẻ, có thể lên tới vài chục phần trăm một năm. Nếu bạn quá hạn nhiều tháng hoặc nhiều năm, đây sẽ là khoản tiền không hề nhỏ có thể lên tới hàng chục hay hàng trăm triệu đồng.

Làm ngân hàng cả chục năm, tôi chả có cái thẻ tín dụng nào - 1

Minh họa thẻ tín dụng (Ảnh: IT).

Nguy hại hơn, việc tiêu tiền mà mình không có (đi vay để tiêu trước) sẽ hình thành những thói quen không biết quản lý tài chính cá nhân. 

Với sự hấp dẫn của công nghệ livestream bán hàng online hiện nay hay các quảng cáo đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội, chúng ta thấy nhu cầu mua sắm đột nhiên tăng vọt. Điều mình muốn thường lớn hơn nhiều điều mình có.

Và nếu trở thành kẻ nghiện mua sắm không kiểm soát được việc chi tiêu thì  thói quen tiết kiệm biến mất, thay vào đó trở thành thói quen tiêu dùng, không mua cái gì đó là không chịu được.

Rất nhiều người đã trở thành "chúa Chổm" như vậy. Bất cứ ai, một bà nội trợ hay một nhân viên ngân hàng, hay một người trông xe thu nhập bất ổn cũng có thể vướng vào điều này. 

Thứ hai là nỗi lo bị hack (tấn công mạng) hay đánh cắp thông tin thẻ hoặc mất thẻ. Khi trong ví bạn có đủ các loại thẻ, nhiều khi bạn còn không nhớ thẻ đó bị mất hay bị để quên ở đâu. Tôi hay rút tiền từ ATM và không dưới 10 lần quên thẻ tại các ATM.

Nếu quên hay mất thẻ tín dụng thì khả năng là thảm họa. Thẻ ATM có mã PIN và mất thì cũng khó bị hack do không dễ bị đoán mật khẩu.

Nhưng thẻ tín dụng thì khác, ai cũng quẹt được. Người mua sắm online cũng dễ để lại thông tin thẻ trên các nền tảng. Nếu các nền tảng này bị hacker tấn công thì hàng triệu thông tin thẻ có thể bị lấy cắp.

Không ít hacker chuyên dùng thẻ tín dụng với thông tin ăn cắp, tới mức nhiều khi Facebook không chấp nhận nếu chủ thẻ thanh toán từ Việt Nam hoặc tính phí quảng cáo quá cao. Cũng rất nhiều trường hợp có nguyên nhân từ việc dùng "thẻ chùa" hay thậm chí chạy, "bùng" thẻ.

Tóm lại, việc có nguy cơ tự mình đẩy mình vào thế con nợ thâm niên và nguy cơ bị chiếm thông tin thẻ là 2 lý do chính để tôi, một người làm ngân hàng hàng chục năm, không có cái thẻ tín dụng nào trong ví.

Tôi chấp nhận là một người low-tech!

Ông Nguyễn Hoàng Hải từng giữ nhiều chức vụ như Giám đốc Tài chính tại Công ty cổ phần Halcom Việt Nam, Giám đốc đầu tư tại Xuân Cầu Holdings, một số chức vụ tại An Phát Holdings, có thời gian làm mảng chiến lược, khách hàng doanh nghiệp tại các ngân hàng Vietcombank, TPBank... 

* Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả, không nhất thiết đồng quan điểm với Dân trí