Nhận quà tặng để mở tài khoản, thẻ tín dụng, nữ sinh lo đứng lo ngồi

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Bùi Hương Giang đang loay hoay với việc có nên đóng 7 tài khoản ngân hàng lại hay không vì phí hủy các tài khoản là vài trăm ngàn đồng.

Năm ngoái, trong một sự kiện mở thẻ, Bùi Hương Giang (SN 2004, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội) đã mở 7 tài khoản ngân hàng.

"Các nhân viên tư vấn nói nếu chỉ mở tài khoản mà không cần nhận thẻ thì không mất bất kỳ chi phí nào. Đã miễn phí lại có thêm quà là gấu bông, dù, túi xách, nên tôi và các bạn đều mở rất nhiều mà không suy nghĩ gì", Giang nói.

Sau đợt đó, Giang quên luôn việc mình sở hữu tới 7 tài khoản ngân hàng. Cô không dùng các tài khoản đó. Cô thậm chí không biết những số tài khoản của mình. Tin nhắn mở tài khoản thành công từ tổng đài cũng không có thông tin này.

Nhận quà tặng để mở tài khoản, thẻ tín dụng, nữ sinh lo đứng lo ngồi - 1

Một trong những tin nhắn mở tài khoản thành công mà Giang nhận được (Ảnh: NVCC).

Cho đến khi sự việc vay nợ 8,5 triệu ôm nợ 8,8 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng Eximbank, Giang và bạn mới hoảng hốt đi tìm thông tin về những tài khoản đã mở.

"Gọi qua tổng đài không được, tôi đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng hỏi thì được tư vấn chung chung là hiện tại không mất phí gì, còn 1, 2 năm tới sẽ tùy theo chính sách mới áp dụng cho từng năm.

Khi tôi yêu cầu hủy tài khoản, họ báo phí 55.000 đồng. Việc hủy tài khoản chỉ được làm trực tiếp, không được làm online. Như vậy muốn hủy 7 thẻ, tôi phải đi 7 ngân hàng, tổng cộng số tiền hủy thẻ tôi ước chừng là vài trăm nghìn đồng. 

Số tiền không phải nhỏ cùng với việc tốn thời gian đi lại nên tôi và bạn quay về, không hủy thẻ nữa", Giang chia sẻ.

Tô Hoàng Nam (SN 2002, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội) cũng mở 3 thẻ ngân hàng, trong đó có 1 thẻ tín dụng, thông qua nhân viên ngân hàng vào tận trường tiếp thị. Việc mở thẻ được giới thiệu là hoàn toàn miễn phí. 

Nhận quà tặng để mở tài khoản, thẻ tín dụng, nữ sinh lo đứng lo ngồi - 2

Sinh viên cần có ý thức bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân khi giao dịch; nên lưu ý, cẩn thận khi mở thẻ ngoài ngân hàng. (Ảnh: Hoàng Hồng).

Tuy nhiên một năm sau đó, Nam bị trừ phí thường niên 500.000 của thẻ tín dụng. Một thẻ khác nam sinh này mất hơn 40.000 đồng tiền phí duy trì thẻ. Thẻ còn lại chưa đến thời hạn một năm, Nam không biết có mất phí gì hay không.

Nam không được nhân viên tiếp thị tư vấn hay đề cập đến các loại phí trên trong quá trình mở thẻ. Chỉ khi bị phát sinh nợ, Nam gọi điện lên tổng đài mới biết. 

Một chuyên viên ngân hàng đề nghị giấu tên cho biết, rất nhiều ngân hàng nhỏ chạy chỉ tiêu bằng cách tiếp cận sinh viên các trường đại học thông qua những sự kiện tiếp thị.

Để mời sinh viên mở tài khoản, họ sẽ tặng quà kèm lời giới thiệu "hoàn toàn miễn phí". Các khoản phí phát sinh trong quá trình dùng thẻ hoặc thậm chí không dùng thẻ sau này sẽ không được đề cập đến.

Phần lớn sinh viên không có hiểu biết về lĩnh vực này. Họ thấy miễn phí là vui vẻ làm với suy nghĩ "chẳng mất gì, lại có quà", dẫn tới việc mở tài khoản vô tội vạ mà hoàn toàn không dùng tới.

Người này đưa ra lời khuyên, các sinh viên không nên mở tài khoản tràn lan mà không phục vụ nhu cầu sử dụng.

Đồng thời, sinh viên nên có ý thức bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân khi giao dịch; nên lưu ý, cẩn thận khi mở thẻ ngoài ngân hàng.

Với những sinh viên đã mở nhiều tài khoản chỉ để đổi quà, chuyên viên tư vấn nên tới ngân hàng hủy tài khoản không cần thiết hoặc không có nhu cầu giao dịch.