So găng phí thường niên thẻ tín dụng, ngân hàng nào đang rẻ nhất?
(Dân trí) - Trước đây, để mở được một chiếc thẻ tín dụng, khách cần đáp ứng nhiều tiêu chí của ngân hàng thì bây giờ, mọi việc trở nên khá dễ dàng. Phí thường niên thấp nhất đang ra sao, người dùng cần lưu ý gì?
So sánh phí thường niên thẻ tín dụng hạng cơ bản
Trước khi quyết định mở thẻ tín dụng, hãy chắc chắn bạn đã biết những điều cơ bản về tấm thẻ này, bao gồm phí thường niên, chính sách hủy bỏ thẻ, phí trả chậm...
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thẻ tín dụng được phát hành bởi các ngân hàng. Dưới đây là bảng so sánh phí thường niên của những loại thẻ tín dụng cơ bản nhất. Thông tin được tổng hợp từ các ngân hàng.
- VPBank: Thẻ tín dụng cơ bản nhất dành cho khách hàng từ 18 tuổi trở lên, thu nhập từ 4,5 triệu đồng/tháng có mức phí thường niên thẻ chính là 150.000 đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó, lãi suất của loại thẻ này là 3,99%/tháng.
- MB: Thẻ tín dụng cơ bản với mức phí thường niên 200.000 đồng/năm dành cho người có thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên. Mức phí trả chậm của dòng thẻ này là 6%.
- VIB: Có loại thẻ được quảng cáo là miễn phí thường niên trọn đời, năm đầu tiên, năm tiếp theo cho khách nếu phát sinh tổng giao dịch thanh toán tại POS hoặc internet đạt tối thiểu 12 triệu đồng trong năm liền trước. Một loại khác là thẻ mua sắm có phí thường niên 499.000 đồng/năm đi kèm các ưu đãi.
- Techcombank: Thẻ tín dụng cơ bản có mức phí thường niên 300.000 đồng/năm.
- TPBank: Thẻ tín dụng Visa hạng chuẩn có mức phí thường niên 288.000 đồng/năm, phí chậm thanh toán là 4,4%/số tiền chậm thanh toán.
- Sacombank: Thẻ tín dụng cơ bản nhất có mức phí thường niên 299.000 đồng/năm, dành cho khách hàng có thu nhập tối thiểu 5 triệu đồng/tháng nếu sống tại Hà Nội, TPHCM và tối thiểu 3 triệu đồng/tháng nếu sống tại các tỉnh thành khác.
Trong nhóm ngân hàng Nhà nước, Agribank có mức phí thường niên tương đối rẻ cho dòng thẻ tín dụng cơ bản là 150.000 đồng/năm. Vietcombank có mức phí thường niên thẻ tín dụng chuẩn là 200.000 đồng/năm, VietinBank với mức phí thường niên thẻ tín dụng chuẩn là 120.000 đồng/năm.
Về mức hoàn tiền của thẻ, một số ngân hàng liên kết với các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee hoàn tiền dao động 1% đến 10% như VPBank, VIB. Tuy nhiên, phí thường niên của các thẻ cũng dao động 299.000 đồng đến 899.000 đồng/năm.
Với một số ngân hàng như Eximbank, CitiBank hay SHB, chính sách hoàn tiền được chia thành các nhóm tiêu dùng gồm chi tiêu cho giáo dục, chi tiêu cho bảo hiểm, chi tiêu trong các siêu thị tiện lợi... với mức phí hoàn dao động 2-5% tổng chi tiêu.
Điểm trừ của Eximbank, Citi Bank được cho là mức phí thường niên tương đối cao, cao nhất là loại thẻ hoàn tiền của CitiBank có mức phí 1,2 triệu đồng/năm.
Thẻ tín dụng và các lầm tưởng, đừng để "bỏ thì thương vương thì tội"
Trước khi quyết định mở thẻ, hãy đọc những dòng dưới đây để tránh tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội":
- Không ít người lầm tưởng về phí thường niên - loại phí mà khách hàng buộc phải đóng dù có dùng thẻ tín dụng hay không. Ngay cả khi khóa thẻ, bạn vẫn phải duy trì đóng phí thường niên đúng hạn. Nếu không đóng, bạn sẽ bị phạt. Chỉ khi hủy thẻ, bạn mới không cần đóng phí thường niên.
- Ngoài chính sách hoàn tiền, khuyến mại, giảm phí thường niên năm đầu, nhiều người quan tâm đến chính sách được sử dụng phòng chờ miễn phí ở sân bay khi mở thẻ tín dụng VIP. Thông thường, là khách hàng có thẻ tín dụng mức cao tại các ngân hàng đều có quyền lợi sử dụng phòng chờ miễn phí vài lần trong năm (thường là 3-5 lần/năm).
Không ít người lầm tưởng rằng khi cầm được tấm thẻ VIP trong tay sẽ được sử dụng phòng chờ miễn phí vô thời hạn. Điều này chưa đúng. Số lượng lần được sử dụng miễn phí phòng chờ còn phụ thuộc vào mức chi tiêu của khách hàng trong năm, đã đạt đến con số ngân hàng yêu cầu hay chưa.
Có ngân hàng quy định khách có thẻ tín dụng VIP nhưng vẫn cần chi tiêu 500 triệu đồng mỗi năm để được hưởng ưu đãi dùng phòng chờ miễn phí vô thời hạn.
- Hiện nay, thủ tục và các yêu cầu mở thẻ tín dụng của các ngân hàng đều tương đối dễ dàng. Khách hàng chỉ cần kê khai thông tin cá nhân online kèm một vài câu trả lời liên quan cho nhân viên tư vấn, sau đó tới chi nhánh ký xác nhận và sẽ nhận được thẻ cứng sau vài ngày.
Tuy nhiên, những người có thói quen sử dụng thẻ tín dụng nên thường xuyên kiểm tra những khoản tiền bị trừ, bởi trong một vài trường hợp, các mức phí trừ đi kèm không hợp lý. Khi đó, khách hàng cần phải phát hiện và ý kiến với nhân viên ngân hàng để nhận được sự giải thích và đền bù thích hợp nếu có sai sót.
Nếu không thực sự có nhu cầu, lời khuyên là bạn chưa nên mở thẻ chỉ vì nghe quảng cáo từ phía nhân viên tư vấn. Bởi khi quyết định mở thẻ, bạn sẽ phải trả một mức phí cố định cho dù bạn có sử dụng thẻ đó hay không.
iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.
iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả...