Chuyên gia kinh tế: "Nếu không làm thép, không có công nghiệp hoá"
(Dân trí) - Trao đổi về câu chuyện "Việt Nam có nên làm thép hay không", tại toạ đàm "Thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững" do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 20/9, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nếu muốn hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá thì nhất thiết phải có nhà máy thép.
Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết: "Sau sự cố Formosa nhiều người đặt câu hỏi Việt Nam có cần làm thép không? Ngay tại Tokyo (Nhật Bản) có khoảng 3-4 nhà máy thép, hay như Hàn Quốc cũng như vậy nhưng người dân vẫn đánh bắt cá xung quanh các khu nhà máy. Trên thực tế, sự cố Formosa Hà Tĩnh vừa qua là sự cố hi hữu và lại mới xảy ra trong quá trình xây dựng, không phải quá trình vận hành".
Theo ông Hoài, bài học của Formosa ở giai đoạn trước và bây giờ vấn đề cần đề cập tới là hậu kiểm và công tác giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
"Trên thế giới vẫn cần thép, có nơi vẫn sản xuất thép gắn với chữ sạch như Nhật, Hàn Quốc và Việt Nam vẫn cần sản xuất thép. Tôi cũng đã nghe chuyên gia đặt câu hỏi vì sao Việt Nam không sản xuất thép chế tạo. Tuy nhiên, cần phải hiểu bối cảnh của Việt Nam khác Nhật Bản, Hàn Quốc, sản xuất phải do thị trường quyết định. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa thể sản xuất thép chế tạo trong đó có nguyên nhân nguồn nhân lực chưa đáp ứng điều kiện", ông Hoài nói thêm.
Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Đại biểu Quốc hội - cũng cho biết: "Câu hỏi có làm thép hay không, tôi đã nghe từ chục năm nay rồi. Tôi cho rằng, Việt Nam nếu không làm thép sẽ không có công nghiệp hoá".
TS Võ Trí Thành cũng bày tỏ quan điểm: "Trong bối cảnh hôi nhập sâu tính thị trường càng cao. Tôi đồng tình ở chỗ làm gì thì làm khâu bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực với môi trường là cực kỳ quan trọng. Xét đến trình độ phát triển, lợi thế lựa chọn thị trường thì có vẻ thép vẫn là lựa chọn thích hợp".
Còn theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép, Việt Nam lựa chọn con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá để phát triển đất nước, trong đó tất yếu phải phát triển công nghiệp vật liệu như thép. Đây là lựa chọn không mới và cũng là con đường mà hàng chục năm nay chúng ta theo đuổi “miệt mài”.
"Còn về câu chuyện cạnh tranh với thép Trung Quốc, chúng ta cần tính toán nhưng cần hiểu rằng thép Trung Quốc xuất khẩu bằng nhiều phương thức, trong đó có hình thức gian lận, trợ giá xuất khẩu... Nếu giải quyết thì phải đấu tranh bằng nhiều hàng rào thương mại và kỹ thuật, phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm phôi thép, thép cán dài thì chúng ta hoàn toàn cạnh tranh được”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết, so với các nước, tiêu thụ thép của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, do đó, ngành thép còn nhiều tiềm năng phát triển. Cụ thể, Việt Nam giai đoạn hiện nay tiêu thụ bình quân 200 kg thép/người/năm trong khi thế giới là 240 kg/người/năm, các nước như Thái Lan 350 kg thép/người/năm, thậm chí như Hàn Quốc, có thời kỳ 1.100kg/người/năm. Điều này cho thấy, Việt Nam đang ở ngưỡng thấp hơn mức trung bình thế giới, ASEAN.
Theo ông Dũng: "Giai đoạn hiện nay có người nói thừa thép tại sao lại đầu tư, cần làm rõ thừa gì và thời điểm nào? Chúng ta nhập siêu thép và nhu cầu đáp ứng trong nước còn thấp so với nhu cầu. Nhưng chúng ta cũng thừa thép dài và thép dẹt khi tiêu thụ còn thấp hơn so với năng lực sản xuất và với mức tăng trưởng 10%/năm thì 3 năm nữa sẽ bão hoà nên nhà đầu tư. Còn về thép dẹt tiêu thụ 9 triệu tấn, trừ tôn mạ màu, tôn mạ kẽm thì các loại thép nguội, thép cuộn cán nóng chưa sản xuất được nên phải nhập hoàn toàn.
"Trước mắt việc đầu tư phát triển ngành thép là cần thiết và vấn đề nóng nhất là công nghiệp thép tác động tiêu cực đến môi trường là hoàn toàn đúng. Nhưng tôi cũng muốn nói rằng, vấn đề công nghệ khoa học hoàn toàn kiểm soát được, quan trọng là vấn đề nhà đầu tư đầu tư thế nào, doanh nghiệp quản lý và giám sát của nhà nước và cộng đồng ra sao?”, ông Dũng nói.
Phương Dung