Chuyên gia: Doanh nghiệp cần hướng đến mục tiêu kép chuyển đổi số và ESG

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Theo chuyên gia, doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ số vào quy trình quản lý bền vững, để quản lý tài nguyên, giảm lãng phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Tại hội thảo sáng nay (23/10) diễn ra tại TPHCM, một trong những nội dung được bàn luận gây chú ý là giữa trí tuệ nhân tạo (AI), ESG và ERP thì doanh nghiệp ưu tiên điều gì?

ESG là viết tắt của Environmental (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị), giúp đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Còn ERP (Enterprise Resource Planning) là hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, phần mềm bao gồm các hoạt động quản lý từ tài chính, nhân sự đến sản xuất, bán hàng. Ứng dụng ERP giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan và kiểm soát chặt chẽ các quy trình, từ đó giảm thiểu sai sót, tối ưu hóa nguồn lực và đưa ra quyết định kinh doanh chính xác hơn.

Ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số, FPT Digital - cho rằng ESG đang trở thành xu hướng chính yếu trong hoạt động của các doanh nghiệp, giúp cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận, bảo vệ môi trường và đóng góp cho xã hội.

Theo ông Ngọc, khoảng 80% các công ty tại Việt Nam đã cam kết về ESG hoặc có kế hoạch thực hiện trong 2-4 năm tới. 35% doanh nghiệp có các mục tiêu cụ thể liên quan đến nguồn cung năng lượng và hơn 40% các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu liên quan đến năng lượng xanh.

Chuyên gia: Doanh nghiệp cần hướng đến mục tiêu kép chuyển đổi số và ESG - 1

Khoảng 80% các công ty tại Việt Nam đã cam kết về ESG hoặc có kế hoạch thực hiện trong 2-4 năm tới.

Đại diện trên đánh giá doanh nghiệp khi thực hiện ESG sẽ đạt được các lợi ích lớn, như phát triển sản phẩm bền vững, giảm phát thải, tối ưu hóa năng lượng đến thu hút nhân tài và cải thiện quản trị.

Ông Ngọc đưa ra gợi ý các doanh nghiệp cần bắt đầu để chuyển đổi kép hướng đến phát triển bền vững dựa trên năng lực công nghệ. Doanh nghiệp cần xác định cụ thể các mục tiêu kép về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đồng thời xây dựng cam kết mạnh mẽ từ ban lãnh đạo. Điều này bao gồm việc cam kết đầu tư nguồn lực cần thiết, thiết lập các mục tiêu cụ thể về tối ưu hóa vận hành thông qua công nghệ số và giảm thiểu tác động môi trường.

Doanh nghiệp cũng cần tích hợp công nghệ số vào quy trình quản lý bền vững, bằng cách áp dụng các giải pháp công nghệ số như AI, IoT để quản lý tài nguyên, giảm lãng phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Điều này giúp doanh nghiệp theo dõi, đo lường và cải thiện các chỉ số phát triển bền vững (ESG), tăng cường hiệu quả vận hành và tính bền vững trong dài hạn.

Một điều khác không thể thiếu, theo ông Ngọc, là cần đào tạo nhân lực và xây dựng văn hóa số, xanh. Để thành công trong hành trình chuyển đổi kép, doanh nghiệp cần phát triển đội ngũ nhân lực có kỹ năng cả về công nghệ số và phát triển bền vững. Đồng thời là xây dựng văn hóa tổ chức hỗ trợ cả 2 mục tiêu, khuyến khích nhân viên áp dụng công nghệ mới và thực hành bền vững.

Một vài diễn giả khác tham gia chương trình đặt mục tiêu phát triển con người, nguồn nhân lực lên hàng đầu, bởi công nghệ mới dù có hiện đại đến đâu cũng được tạo ra bởi con người.

Ông Phí Anh Tuấn - Chủ tịch Công ty Tư vấn P.A.T, Đồng sáng lập và Phó chủ tịch cộng đồng CIO Việt Nam - cho rằng cần cân bằng giữa sự tồn tại, phát triển nhanh của công nghệ với các yếu tố nền móng. Doanh nghiệp không áp dụng công nghệ thì sẽ chậm rồi chết, nhưng áp dụng công nghệ ra sao cần có sự lựa chọn và đúng giải pháp để bền vững hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm