Chuyên gia: Trong ESG, chữ S là khó nhất

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Theo chuyên gia, đầu tư vào con người là đầu tư bền vững. Việc đầu tư vào con người trong thực thi ESG cũng là bắt buộc, không còn là sự lựa chọn.

Tại hội thảo Đổi mới sáng tạo The Makeover 2024 diễn ra sáng nay (15/10) ở TPHCM, bà Nguyễn Tâm Trang - Phó chủ tịch Hội đồng điều hành kiêm Tổng giám đốc Nhân sự, Tập đoàn Greenfeed - cho biết trong chữ ESG (Environmental - Môi trường, Social - Xã hội và Governance - Quản trị) thì chữ "S" là khó nhất.

Lý do là với chữ S, các đơn vị không biết đo lường như thế nào, đánh giá hiệu quả ra sao để có thể có kết luận chính xác nhất.

Với bà Trang, đầu tư cho con người là chủ đề khó, tốn kém và cần thời gian. Nhưng đầu tư vào con người là đầu tư vào bền vững.

Chuyên gia: Trong ESG, chữ S là khó nhất - 1

Chuyên gia cho rằng đầu tư con người là đầu tư bền vững (Ảnh: DT).

Phát triển con người bền vững, theo bà Trang, trong xu thế hiện nay xoay quanh 4 chữ "B": Build (phát triển nhân tài từ bên trong), Buy (chiêu mộ nhân tài), Borrow (mượn nhân tài bên ngoài hay các nhân tài liên ngành/phòng ban) và Bridge (tối ưu và tạo cơ hội cho nhóm nhân sự năng lực thấp, đúng như giá trị nhân văn của doanh nghiệp). Chiến lược nhân sự bền vững phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn 4 chữ B này.

Bà chia sẻ ngày nay, sự phát triển của AI, thiên tai, dịch bệnh... ảnh hưởng nhiều tới quá trình làm nhân sự. Nhiều doanh nghiệp nói con người là tài sản đáng kể nhất nhưng khi công ty gặp khó khăn về kinh doanh, về thị trường, giảm sút lợi nhuận thì nhân sự là lực lượng phải hy sinh trước tiên. Nhất là trong những ngành nghề có sức ép lớn, phát triển quá nhanh thì nhân sự bị đào thải lại rất nhiều.

Bà Trang kể từ năm 2008, khi còn làm việc ở một tập đoàn nước ngoài, bà nghe nói tới khái niệm phát triển bền vững. Lúc đó, khái niệm này được chú trọng như một mô hình để công ty tăng trưởng chứ không nói đến con người bền vững. Qua thời gian, bà Trang quan sát thấy các doanh nghiệp hàng đầu, nếu chú trọng vào con người, thì có thể tiến lên rất nhanh.

Do đó, câu hỏi đặt ra chi phí nhân sự là chi phí hay sự đầu tư? Vị này cho rằng đó là sự đầu tư, không phải chi phí. Việc đầu tư vào con người cũng là bắt buộc, không còn là sự lựa chọn.

Ngoài ra, đầu tư vào đào tạo con người là quan trọng nhất nhưng chưa đủ. Người lãnh đạo cần phải biết cân bằng nhiều yếu tố, phù hợp với nhiều xu hướng và hiểu rõ về doanh nghiệp của mình để đưa ra các phương án nhân sự hợp lý.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Giám đốc Nhân sự toàn quốc Akzo Nobel Việt Nam - cho rằng phát triển bền vững không phải mục tiêu, nó là cách thức để các công ty vận hành tổ chức của mình. Phát triển bền vững cũng không phải đích đến, nó là hành trình hướng tới tương lai.

Theo bà Hương, bước đầu tiên trong thực thi phát triển nhân sự bền vững là đào tạo nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, cách hiểu của nhân sự, sau đó cần có đường hướng, chỉ tiêu thực hiện và điều chỉnh phù hợp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm