Giới đầu tư chứng khoán xây xẩm vì "cú đạp" cuối phiên
(Dân trí) - Đáy thị trường tưởng đã rất gần khi VN-Index duy trì trên MA200 trong phần lớn phiên giao dịch. Thế nhưng, "cơn ác mộng" vào cuối phiên đã lặp lại với hoạt động bán tháo "kích hoạt" sau 14h.
Dính đòn đau vì "bull-trap"
VN-Index những tưởng đã có thể bật lên được từ 1.430 điểm và lấy được thăng bằng tại 1.440 điểm. Hi vọng này kéo đến nửa đầu phiên chiều rồi bị dập tắt hoàn toàn khi lực bán đột ngột tăng mạnh từ thời điểm sát 14h. Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ như "chết đứng" vì không hiểu chuyện gì xảy ra.
VN-Index bất ngờ thủng ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA200 (đường trung bình 200 ngày) tại 1.425 điểm, nhiều nhà đầu tư đã đặt lệnh thị trường (MP) để bán bằng mọi giá, quyết thoát hàng do lo ngại nếu cầm cổ phiếu có thể sẽ thua lỗ nặng nề hơn trong những phiên sắp tới.
Cùng với áp lực margin call, nhiều cổ phiếu bị công ty chứng khoán bán giải chấp (force sell) càng khiến tình hình trở nên hỗn loạn.
VN-Index đóng cửa tại mức thấp nhất phiên là 1.406,45 điểm, ghi nhận mức giảm sâu 26,15 điểm tương ứng 1,83%; trong khi đó VN30-Index cũng đánh mất 27,64 điểm tương ứng 1,88% còn 1.440,61 điểm. HNX-Index giảm 10,42 điểm tương ứng 2,59% còn 392,69 điểm và UPCoM-Index giảm 1,89 điểm tương ứng 1,72% còn 108,32 điểm.
Nhà đầu tư tiếp tục thiệt hại nặng nề với 760 mã giảm trên toàn thị trường và có đến 164 mã giảm sàn. Trong khi đó, phía tăng có 298 mã, 26 mã tăng trần.
Thanh khoản yếu hơn so với hôm qua với 22.656,46 tỷ đồng trên sàn HoSE, 2.105,68 tỷ đồng trên sàn HNX và 1.100,13 tỷ đồng trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, mức thanh khoản này chưa phản ánh hết áp lực bán của chỉ số khi trong gần suốt phiên giao dịch, các chỉ số đều đi ngang và chỉ thực sự lao dốc vào cuối phiên, các chỉ số đều đóng cửa ở mức thấp nhất.
Kịch bản lặp đi lặp lại trong nhiều phiên giảm gần đây chính là tình trạng "đạp chỉ số" vào những phút cuối. Đây cũng chính là lý do khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng trong quyết định giải ngân do lo ngại "bẫy tăng giá" (bull-trap). Đồng thời, ở chiều ngược lại, rất nhiều nhà đầu tư đã phải "ngậm đắng nuốt cay" khi mua vào giá "xanh" song cổ phiếu lại kết phiên tại mức giá sàn.
Thiệt hại nặng hầu hết thị trường
Dòng cổ phiếu ngành chứng khoán tiếp tục bị bán mạnh do tín hiệu thị trường tiêu cực. Đây là dòng có tính "chỉ báo", cổ phiếu thường tăng khi chỉ số hồi phục và giảm nhiều nhất khi thị trường lao dốc.
Nhiều mã trong ngành này đã bị chiết khấu rất sâu, giảm sàn la liệt: DSC, ART, PSI, APS, VIG, IVS, HCM, TVB, APG, CTS, FTS, ORS đồng loạt khoác màu xanh lơ trên bảng điện tử, HBS mất 8,7%; CSI giảm 8,4%; VND giảm 6,8%; SSI giảm 6,7%; AGR giảm 6,3%; VDS giảm 6,2%; SHS giảm 5,4%... "Thượng vàng hạ cám" đều giảm giá bất kể là cổ phiếu penny hay cổ phiếu đầu ngành.
Tương tự với cổ phiếu ngân hàng. Tuy chỉ có LPB giảm sàn nhưng cũng có rất nhiều mã trong ngành này bị bán mạnh và giảm sâu như SHB giảm 6,7%; VAB giảm 5,4%; STB giảm 5,2%; BVB giảm 5,1%; NAB giảm 4,9%; KLB giảm 4,6%; TPB giảm 4,5%... Lưu ý rằng, cổ phiếu ngành ngân hàng đã giảm suốt một thời gian dài và mức giá đã về mức thấp.
Hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu đều giảm giá. Trong khi chứng khoán giảm 5,96% thì nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí cũng giảm 6,68%; tài chính khác giảm 8,87%; thiết bị điện giảm 5,49%; nông - lâm - ngư giảm 4,7%...
Dù vậy, hiếm hoi vẫn có những ngành tăng điểm như vật liệu xây dựng, vận tải - kho bãi. Cụ thể, ACC, GMH, HPG, THG, VCS… tăng giá.
Trong rổ VN30, việc VJC tăng 3,5%; KDH tăng 1,6%; HPG tăng 1,5%; BID và VCB đứng giá tham chiếu phần nào cũng đã khiến VN-Index bớt phần thiệt hại, tuy nhiên không thể "gồng gánh" được thị trường chung khi mà đà bán tháo đã lan rộng. Với lực cung tăng mạnh cuối phiên hôm nay, VN-Index khả năng sẽ tiếp tục bị thử thách tại thành trì 1.400 điểm, thấp hơn là 1.380 điểm ở những phiên tới.