1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chủ tịch Novaland xin lỗi cổ đông; lộ điều khoản sở hữu với nước ngoài

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Đại diện Novaland cảm thấy khó hiểu khi nửa đầu năm đã trả được 9.000 tỷ đồng nợ vay, tài sản được định giá nhiều nhưng cổ phiếu lại bị bán ra. Chủ tịch xin lỗi cổ đông, nhân viên bị nghỉ việc...

Lộ điều khoản sở hữu của gia đình chủ tịch Novaland với nước ngoài

Chiều nay (22/6), Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland - mã chứng khoán: NVL) tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên 2023.

Đại diện ban lãnh đạo tập đoàn cho biết từ đầu năm tới nay, tập đoàn đón nhận một số tin tốt. Vài dự án trọng điểm trong diện tháo gỡ vướng mắc bước đầu đã có kết quả. Cụ thể, một số phân khu tại dự án Aqua City (Đồng Nai) đã được cấp giấy phép bán hàng trở lại. Một số ngân hàng đồng ý tài trợ vốn cho các dự án...

Với các khoản nợ trái phiếu, Novaland đã làm việc với khách hàng để đưa ra các phương án giải quyết. Đến nay, khoảng 600 tỷ đồng trái phiếu đã được khách hàng đồng ý hoán đổi và công ty đang tiếp tục thương lượng phần còn lại. Trong 6 tháng đầu năm, Novaland đã giảm nợ được khoảng 9.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, Novaland có 29.889 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và 32.840 tỷ đồng nợ vay tài chính dài hạn. Tổng nợ vay tài chính/vốn chủ sở hữu là 1,4 lần.

Tại phiên họp, cổ đông đặt câu hỏi liên quan tới tỷ lệ sở hữu của gia đình và các công ty có liên quan đến Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn. Bởi thời gian gần đây, "nhóm" ông Bùi Thành Nhơn (trong đó có NovaGroup) liên tục có động thái bán ra cổ phiếu NVL và giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%.

Bà Đỗ Thị Phương Lan, Thành viên HĐQT, khẳng định ông Nhơn và gia đình dành nhiều tâm huyết với Novaland. Thậm chí, khi công ty gặp khó khăn còn dùng tài sản, cổ phiếu để bảo lãnh cho công ty vay vốn. Chủ tịch công ty cũng luôn đối diện với khó khăn, thử thách và nhận trách nhiệm với cổ đông, đối tác, cam kết sai đâu sửa đó để Novaland có thể phát triển bền vững hơn.

Bà Phương Lan còn nói thời gian qua, công ty ngoài huy động vốn trong nước còn huy động ở quốc tế. Để đạt tiêu chí huy động, bà Lan tiết lộ trong các điều khoản hợp đồng có nội dung gia đình chủ tịch HĐQT phải nắm giữ cổ phiếu NVL ở tỷ lệ nhất định.

Cùng với khó khăn về mặt kinh doanh, giá cổ phiếu NVL trong một năm trở lại đây giảm mạnh. Tính từ mức đỉnh 85.300 đồng/cổ phiếu, đến nay thị giá giảm khoảng 83% về mức 14.650 đồng/cổ phiếu.

Chủ tịch Novaland xin lỗi cổ đông; lộ điều khoản sở hữu với nước ngoài - 1

Diễn biến giá cổ phiếu NVL trong 1 năm gần nhất (Ảnh: Wichart).

Bà Lan cho biết việc cổ phiếu giảm "là điều xót xa". Tuy nhiên, giá cổ phiếu trên thị trường phụ thuộc nhiều yếu tố và không ai kiểm soát được. Ban lãnh đạo công ty chỉ có thể làm cho doanh nghiệp tốt lên từng ngày.

Trong 6 tháng đầu năm, Novaland đã trả được 9.000 tỷ đồng nợ vay, làm ngày làm đêm, tài sản thực được định giá rất nhiều. Tuy nhiên, bà Lan không hiểu sao khi mỗi cổ phiếu 70.000-80.000 đồng thì nhà đầu tư chen nhau mua, còn bây giờ, khi công ty đang nỗ lực thì lại tiếp tục bán ra. Vị này cho rằng nền tảng doanh nghiệp không thể chỉ đánh giá trong 1 ngày 1 tháng, nó là quá trình dài hạn và việc đầu tư phụ thuộc vào quyết định của mỗi người.

Chủ tịch Novaland xin lỗi cổ đông, các nhà thầu, nhân viên bị nghỉ việc

Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT - gửi lời xin lỗi đến toàn thể khách hàng, 60.000 cổ đông, các đối tác, nhà thầu, nhà cung cấp, nhân viên bị nghỉ việc và các bên hữu quan bị ảnh hưởng do sự cố của tập đoàn.

Ông Nhơn tuyên bố sẵn sàng chịu mọi thiệt hại và luôn ý thức trách nhiệm của mình để thực hiện tới cùng các cam kết về tài chính, về sản phẩm đối với khách hàng, nhà đầu tư, các đối tác. Ông Nhơn mong nhận được sự thông cảm, sẻ chia và "xin cho chúng tôi thời gian".

Ông cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ phục hồi trong quý III năm nay.

Chủ tịch Novaland xin lỗi cổ đông; lộ điều khoản sở hữu với nước ngoài - 2

Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland - chia sẻ "xin cho chúng tôi thời gian" (Ảnh: NVL).

Đại diện Novaland khẳng định thời gian tới tiếp tục tập trung vào 3 dòng sản phẩm: Bất động sản đô thị trung tâm, bất động sản đô thị vệ tinh và bất động sản du lịch. Novaland có kế hoạch giới thiệu 2 dự án thấp tầng ở TPHCM và 1 dự án đô thị vệ tinh mới gần TPHCM vào năm 2024.

Hiện tại, Novaland có 4 dự án vướng pháp lý. Trong đó, TPHCM có 2 dự án ở quận 1 và TP Thủ Đức; còn 2 dự án khác ở Đồng Nai và Bình Thuận.

Bà Lương Thị Thu Hương, Giám đốc Pháp lý Novaland, cho biết các dự án đang được lãnh đạo Chính phủ, chính quyền địa phương quyết liệt xử lý tháo gỡ. Bà Hương tin trong thời gian tới, các dự án sẽ được tháo gỡ vướng mắc.

Trong năm nay, tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu thuần 9.531 tỷ đồng, giảm 14,5% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 214 tỷ đồng, giảm hơn 90%. Nếu kế hoạch lợi nhuận này được hoàn thành, đây là mức thấp nhất trong 8 năm qua, kể từ khi doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán (năm 2016). Bà Đỗ Thị Phương Lan cho biết kế hoạch lợi nhuận 214 tỷ đồng là thận trọng, ban lãnh đạo công ty sẽ nỗ lực để hoàn thành. 

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối 2022 là hơn 12.888 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty không chia cổ tức năm 2022 và cả năm 2023.

Một vấn đề khác về nhân sự được chú ý là ông Ng Tech Yow, Tổng giám đốc, được bầu làm Thành viên HĐQT. Ông Ng Tech Yow sinh năm 1970, là người Malaysia, tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Anh, từng làm việc nhiều năm liền ở Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam. Đây là doanh nghiệp đến từ Malaysia, có mặt ở Việt Nam từ năm 2007 và đã đầu tư 2 khu đô thị là Gamuda City (274ha, Hà Nội) và Celadon City (82ha, TPHCM).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm