Chính phủ "lệnh" VNPT thoái vốn khỏi 50 công ty, quỹ, ngân hàng
(Dân trí) - Theo Nghị định vừa được Chính phủ ban hành, VNPT sẽ phải thoái vốn khỏi 50 công ty, quỹ, ngân hàng trong đó Maritime Bank, công ty Viễn thông VTC, công ty VNPT Land...
Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo cho biết, theo Nghị định 25 vừa được Chính phủ ban hành, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ thoái vốn tại 50 công ty, quỹ, ngân hàng.
Cụ thể, VNPT sẽ phải thoái vốn khỏi Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cùng một loạt các công ty, quỹ khác là Bất động sản Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT Land); Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT); Đầu tư Viễn thông và Hạ tầng đô thị (ITC); Viễn thông VTC; Quỹ đầu tư Việt Nam (BVIM); Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 (SFA2); Công ty Tài chính Bưu điện (PTF)...
Quyết định này cũng cho phép VNPT có 71 đơn vị trực thuộc. Các tổng công ty Truyền thông (VNPT - Media) và Dịch vụ viễn thông (VNPT - Vinaphone) sẽ do VNPT nắm 100% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, VNPT còn có công ty con khác và 3 đơn vị sự nghiệp là Bệnh viện Bưu điện (tại Hà Nội); Bệnh viện Đa khoa Bưu điện (tại TP Hồ Chí Minh); Bệnh viện Phục hồi chức năng Bưu điện (tại Hải Phòng)...
Vốn điều lệ của VNPT theo quy định là 72.237 tỷ đồng với Nhà nước là chủ sở hữu. Ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện.
Với 7 thành viên trong Hội đồng Thành viên, các thành viên Hội đồng Thành viên cùng chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu nhà nước, trước pháp luật về mọi hoạt động của VNPT và về các quyết định của Hội đồng thành viên gây thiệt hại cho VNPT và chủ sở hữu nhà nước.
Bích Diệp