Chính phủ kiến nghị giãn tiến độ tăng lương
(Dân trí) - Chính phủ tính toán, nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng và nâng phụ cấp công vụ từ 25 lên 30% từ 1/5/2013 thì cần khoảng 60.000 tỷ đồng; trong khi phương án cân đối mới bố trí được trên 28.900 tỷ đồng.
Chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trao đổi bên hành lang Quốc hội.
Theo tính toán của Chính phủ, nếu điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng và nâng phụ cấp công vụ từ 25 lên 30% từ 1/5/2013 thì ngân sách Nhà nước cần bố trí khoảng 60.000 tỷ đồng. Trong khi đó, do khả năng cân đối ngân sách 2013 khó khăn, phương án cân đối nêu trên mới bố trí được trên 28.900 tỷ đồng.
Với thực tế này, để thực hiện mức tăng lương tối thiểu 4 tháng so với năm 2012 và đã tính khoản trên vào dự toán chi thường xuyên, Chính phủ chưa cân đối được nguồn để thực hiện cải cách tiền lương năm 2013. Do đó, “căn cứ tình hình thực tế thu ngân sách năm 2012 và những tháng đầu 2013, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về khả năng cải cách tiền lương năm 2013 tại kỳ họp thứ 5”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 22/10, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay: Không phải Chính phủ khẳng định không tăng lương mà cần thời gian để cân đối thu chi cả năm nay và diễn biến những tháng đầu năm sau mới có thể quyết định có bố trí đủ nguồn cho tăng lương hay không. Do đó, Chính phủ báo cáo với Quốc hội là chưa bố trí được, đề nghị giãn tiến độ tăng lương.
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước đã tác động đến tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc thực hiện các giải pháp giãn, miễn giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo quy định tại Nghị quyết 13/NQ-CP cũng ảnh hưởng giảm nguồn thu.
Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 498 nghìn tỷ đồng, bằng 67,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, thu nội địa ước đạt 63,8% dự toán; thu từ dầu thô đạt 99,6% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 58,9% dự toán. Còn tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt trên 643 nghìn tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó chi đầu tư phát triển đạt 127,9 nghìn tỷ đồng, bằng 71,1% dự toán.
Dự báo khả năng thực hiện kế hoạch năm 2012, Chính phủ cho biết, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 741,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,14% so với dự toán, tăng 5,3% so với năm 2011. Ngược lại, tổng chi cân đối ước đạt 904,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,11% so với dự toán, tăng 14,6% so với năm 2011. Bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP.
Cũng trong chiều 22/10, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng: Tình hình ngân sách của nhà nước trong năm 2012 cũng như năm 2013 rất khó khăn nên cần có sự chia sẻ chung với khó khăn của Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế tiền lương hiện nay thì mức thu nhập của những người làm công ăn lương vẫn còn thấp. Đặc biệt là lực lượng giáo viên, cán bộ y tế rất thấp nên cũng cần phải cân nhắc nếu không điều chỉnh được chung thì cũng cần có sự điều chỉnh cho từng khu vực và điều chỉnh mức tăng cho phù hợp.
“Tôi cho rằng nếu chúng ta quyết tâm thì vẫn có thể cân đối nguồn ngân sách để đảm bảo chi trả tăng tiền lương theo đúng lộ trình. Mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân hiện nay là 9 triệu nhưng thu nhập của lực lượng cán bộ công chức nhà nước phần lớn dưới mức đó”, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Theo đại biểu Ngân, để có được nguồn ngân sách này, chúng ta phải phục hồi nền kinh tế, qua đó tăng thu nội địa. Ngoài ra, chúng ta cần giảm các khoản chi không hợp lý, nhất là các khoản chi liên quan đến lễ hội, lễ kỉ niệm, những khoản chi tiêu công mà “chúng ta thấy rằng vừa qua trong báo cáo của Chính phủ thể hiện sự lãng phí”.
Đại biểu Ngân cũng nhấn mạnh tới thời điểm thích hợp để tăng lương, bởi việc tăng lương trong thời gian gần đây không gây sốc về giá. “Trước đây chúng ta thường tăng lương vào thời điểm đầu năm trùng với việc chi vào lễ hội, Tết, những thứ này cộng hưởng vào làm tăng giá. Hiện nay, cải cách tiền lương điều chỉnh vào tháng 5, không phải là thời điểm nóng về giá cả. Bên cạnh đó yếu tố tâm lý về tăng lương tăng giá giảm rất nhiều”, đại biểu Ngân nói.