Chính phủ: Khả năng GDP đạt 5,5% là rất khó khăn

(Dân trí) - Theo báo cáo của Chính phủ trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay (20/5), nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định. Khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu đề ra cho năm 2013 là rất khó khăn.

Quốc hội bắt đầu chương trình nghị sự kéo dài hơn 1 tháng (ảnh: Việt Hưng).
Quốc hội bắt đầu chương trình nghị sự kéo dài hơn 1 tháng (ảnh: Việt Hưng).
 
4 chỉ tiêu chưa hoàn thành

Sáng nay 20/5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Theo báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày, so với số liệu ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 có thêm một chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch là mức giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Như vậy, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Quốc hội đề ra trong kế hoạch năm 2012 có 11 chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch. Còn 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, chỉ tiêu tạo việc làm và tỷ lệ che phủ rừng.

“So với số liệu đã báo cáo Quốc hội, có 7 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn và 6 chỉ tiêu không đổi. Với kết quả như vậy, những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2012 vẫn cơ bản phù hợp”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đồng thời trong nước phải thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là việc giảm mạnh tốc độ tăng tín dụng, thắt chặt chỉ tiêu ngân sách nhà nước, cắt giảm đầu tư công,…đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2012 tăng 5,03% so với năm 2011 (thấp hơn số đã báo cáo Quốc hội là 5,2% và thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là tăng 6-6,5%); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,72%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,52%, khu vực dịch vụ tăng 6,42%.
 
Còn tính đến quý I/2013, tăng trưởng GDP quý I ước đạt 4,89% , cao hơn cùng kỳ năm 2012 (4,75%). Ngành xây dựng, sau một thời gian trì trệ, nhờ nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành, đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đạt mức 4,79% trong quý I năm 2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm liên tiếp trước đó (năm 2012 tăng 0,77%; năm 2011 giảm 0,01%). Do vậy, theo đánh giá của Chính phủ, dù mức tăng trưởng GDP quý I năm 2013 không cao như kỳ vọng nhưng là mức tăng hợp lý trong điều kiện nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, tăng trưởng GDP quý I/2013 cao hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do tăng trưởng cao của khu vực dịch vụ, đóng góp 2,6% điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh đó, sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều, tồn kho vẫn ở mức cao.

Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế…

Nếu các khó khăn nêu trên không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2013, theo đánh giá của Chính phủ là rất khó khăn.

Thực hiện tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên

Trước những tồn tại của nền kinh tế, Chính phủ xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012.

Cụ thể, Chính phủ sẽ điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa; Tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay; Tăng cung tín dụng để góp phần tăng tổng cầu của nền kinh tế, điều hành ở mức tăng 12% cả năm 2013, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên. Điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị tiền đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, nhất là quản lý tốt hơn thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Tăng cường quản lý ngân sách nhà nước; phấn đấu giữ bội chi ngân sách như đã được Quốc hội thông qua (4,8% GDP). Triển khai thực hiện Chương trình quản lý nợ trung hạn 2013-2015. Tập trung các giải pháp chống thất thu, nợ đọng thuế. Kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước; kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cần thiết; thu hồi các khoản vốn, kinh phí đã giao dự toán nhưng đến hết 30/6/2013 các Bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hết. Thực hiện tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên (không kể chi lương); trong đó, tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, xăng dầu, tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí hội nghị, tiếp khách, lễ hội, khánh tiết, đi công tác trong và nước ngoài.

Cũng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; điều chuyển vốn của các dự án, công trình chậm tiến độ. Xem xét tiếp tục ứng vốn trái phiếu Chính phủ đã giao giai đoạn 2012-2015 cho một số công trình quan trọng cấp bách hoàn thành trong năm 2013. Trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ để dành cho dự án Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên. Tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách thông qua các hình thức đầu tư thích hợp.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương điều chỉnh giá điện, than cho điện, nước, dịch vụ công về giáo dục, y tế theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp…

Nguyễn Hiền