"Tăng trưởng GDP 5% đã là khó!"

(Dân trí) - Chủ tịch Hội đồng giám sát tài chính Vũ Viết Ngoạn nhận định, mục tiêu tăng trưởng 5% năm nay hết sức khó khăn; Mục tiêu kiềm chế lạm phát khả thi hơn nhiều. Vì vậy, cần hướng chính sách ưu tiên tập trung hơn cho nhiệm vụ đẩy tăng trưởng, sản xuất.

Lạm phát ít sức ép, tăng trưởng khó đạt

Báo cáo những diễn biến mới nhất của nền kinh tế tháng 4, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Cao Viết Sinh cho biết, sau 1 tháng giảm 0,19%, CPI tháng này đã tăng 0,02%, cả 4 tháng tăng, đưa tổng mức giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm lên mức 2,41%. Tính đến ngày 18/4, dư nợ tín dụng tăng 1,44%, tiền gửi của người dân tăng 5,04%.

Ông Sinh lưu ý, chỉ số tăng trưởng tín dụng rất quan trọng trong chiến lược tháo gỡ khó khăn, bế tắc cho sản xuất. Theo đó, tín dụng phải tăng được lên mức10% mới có sức đẩy cho nền kinh tế.

Thứ trưởng KH-ĐT thẳng thắn đánh giá, dự báo kinh tế trong nước cho thấy rất nhiều khó khăn, thách thức cho sự phục hồi, phát triển. Sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đình đốn, số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thế và phá sản nhiều, tồn kho vẫn ở mức cao… 

Báo cáo của Bộ KH-ĐT cũng tập trung phân tích, tăng trưởng tín dụng có thể khó tăng cao trong quý tới và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại ngân hàng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các NHTM không có giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế.

Khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần được tháo gỡ cùng với việc doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn vốn tín dụng, kinh tế vĩ mô ổn định và niềm tin của DN. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo cần được tháo gỡ để từng bước phục hồi.

Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cảnh báo, khả năng hạn hán sắp tới rất lớn nên cần có các biện pháp hữu hiệu và kịp thời bảo đảm việc cung cấp nguồn điện trong mùa khô sắp tới.

Chốt lại, cơ quan dự báo phán đoán, nếu các khó khăn này không được xử lý thì khả năng GDP đạt 5,5% như mục tiêu QH đề ra cho năm 2013 rất khó khăn.
 
Đại biểu Bùi Đức Thụ tại phiên họp của UB Kinh tế.
Đại biểu Bùi Đức Thụ tại phiên họp của UB Kinh tế. 

Chủ tịch Hội đồng giám sát tài chính Vũ Viết Ngoạn cũng nhận định, với khởi đầu bằng 2 chỉ số quan trọng CPI và GDP đều thấp hơn dự đoán, năm 2013 bắt đầu khó khăn hơn hình dung ban đầu. Tổng cầu 2013 những tháng đầu năm tiếp tục xu hướng hạ thấp hơn.

Mục tiêu tăng trưởng 5% năm nay, vì thế, theo ông Ngoạn, hết sức khó khăn. Khả năng đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 6-6,5% Chính phủ đề ra khả thi hơn nhiều. Các yếu tố tác động đến lạm phát năm nay cũng thuận, không có áp lực, không cần quá lo. Vì vậy, ông Ngoạn mong muốn, hướng chính sách ưu tiên tập trung hơn cho nhiệm vụ đẩy tăng trưởng, sản xuất.

Cái khó, theo ông Ngoạn, là chính sách tài khóa rất eo hẹp, không còn dư địa vì muốn tăng cầu, nhà nước phải tăng chi tiêu. Vì vậy, trách nhiệm của chính sách tiền tệ rất lớn. Nhiệm vụ giảm lãi suất mạnh mẽ cũng đối lập với nỗi lo là lãi suất giảm có gây phản ứng rút tiền không. Ông Ngoạn khuyến cáo cần sự điều chỉnh cẩn trọng, thống nhất vì “lòng tin rất dễ vỡ”.

Nghịch lý tiền gửi tăng, vốn cho vay ra vẫn… nhỏ giọt

Chủ tịch tập đoàn Than – khoáng sản Trần Xuân Hòa (ủy viên UB Kinh tế) cũng nhận định tình hình 2013 xấu hơn 2012 nhưng vẫn chưa phải là đáy. Trong khi đó, việc tái cơ cấu cũng sẽ là những “nhát cắt” đau đớn. Ví dụ từ đơn vị mình, ông Hòa cho biết, tái cơ cấu tập đoàn Than – Khoảng sản sẽ “loại bỏ” 40.000-50.000 lao động. Khi đó, gánh nặng cả xã hội phải cùng tính để gánh đỡ, một tập đoàn như TKV không thể lo xuể.

Ủy viên thường trực UB Tài chính – Ngân sách Bùi Đức Thụ đặt nhiều câu hỏi: 4 tháng đầu năm, số DN thành lập mới xấp xỉ bằng số DN giải thể, phá sản chứng tỏ tình hình còn khó khăn hơn 2012? Dư nợ huy động tăng nhưng lượng vốn cho vay ra gần như không tăng. Điều này bất hợp lý chứng tỏ nguồn tiền “đọng” ở đâu? Có phải có vấn đề lợi ích nhóm, cục bộ ngân hàng lớn nên thà giữ tiền để quyết giữ mức lãi suất chứ không cho vay ra?

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cảnh báo nhiều vấn đề mới bộc lộ ngay trong bối cảnh nền kinh tế dường như đang được điều hành đúng hướng, có chuyển biến tích cực. Trong quý I/2013, khi lạm phát được kiềm chế thành công, lãi suất giảm dần, xuất nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi… thì đầu tư lại giảm. Vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt vốn đầu tư ngân hàng chỉ đạt 0,03%, ông Kiêm nhấn mạnh, mức này gần như bằng 0. Công nghiệp, nông nghiệp - 2 ngành trụ cột của nền kinh tế lại giảm, khó biết tình hình khó khăn còn đến đâu.

Hai chỉ tiêu cơ bản tăng trưởng và lạm phát đặt ra cho năm nay, ông Kiêm phán đoán, tăng trưởng nhiều sức ép hơn. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng nhắc “lạm phát là chốt, nếu thả ra không đuổi được thì… chết. Mặt khác, tình hình khó khăn như hiện tại, nếu vẫn tiếp tục “vít”, giữ chặt càng... chết hơn”. Ông Kiêm gợi ý, cần xác định nới dần tín dụng, gỡ dần cho DN như thế nào và “quản” ngân hàng cho chặt chẽ, hiệu quả.

Ông Kiêm cũng chỉ ra, vấn đề không phải ở xác định chính sách, giải pháp mà vì các giải pháp được tổ chức triển khai quá chậm và càng chậm, “cửa” gỡ càng thu hẹp lại.
 
Đại biểu Bùi Đức Thụ tại phiên họp của UB Kinh tế.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đánh giá, việc điều hành thời gian qua đã đạt mức không để tình hình xấu hơn.

Chung băn khoăn này, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đánh giá, việc điều hành thời gian qua đã đạt mức không để tình hình xấu hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của người dân, các chính sách mới chỉ dừng ở chủ trương, kế hoạch, việc triển khai đi vào cuộc sống vẫn xa xôi, vẫn chỉ là dấu hỏi.

“Đầu cơ là ai, lợi ích cục bộ thế nào… đều có thể nắm rõ nhưng không làm gì. Vẫn có những con tàu Vinashin trị giá hàng nghìn tỷ lang thang trên biển không để làm gì?..” – ông Nam không giấu giọng bức xúc.

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi lại nhìn nhận thực tế từ góc độ đời sống, thu nhập, tiền lương của người lao động. Ông Lợi đặt vấn đề, chỉ số CPI không thể tăng vì cung lớn hơn cầu nên hàng hóa giá rẻ dân cũng không mua. Sức mua giảm lớn dẫn đến giảm chỉ số tiêu dùng chứ không phải các giải pháp kiềm chế tốt lạm phát.

Ngoài ra, dù lương đã điều chỉnh nhưng mức sống tối thiểu chỉ đạt 6,2-6,9%. Khu vực hành chính cũng chỉ đạt 39,8%. Ông Lợi đề nghị cơ quan điều hành xem lại vấn đề đời sống người dân.

P.Thảo