Chính phủ chưa xem xét cho tăng giá điện
(Dân trí) - Đại diện Bộ Công Thương cho biết, năm 2017, do sự phát triển của nền kinh tế có nhiều khó khăn nên Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ chỉ đạo, đến giờ phút này, chưa xem xét đến vấn đề tăng giá điện. Trong trường hợp EVN có đề xuất, Bộ Công Thương cũng sẽ xem xét hết sức kỹ lưỡng, đánh giá sự tác động đến từng mặt hàng và CPI.
Theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn EVN hoàn thiện báo cáo tổng thể tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi phí, giá thành và giá bán điện năm 2016 và kế hoạch năm 2017. Từ đó, đề xuất kịch bản điều hành giá điện năm 2017.
Trong đó, lãnh đạo Chính phủ lưu ý, các phương án xây dựng giá bán sẽ theo các kịch bản: giá than, giá khí điều chỉnh hoặc không điều chỉnh theo giá thị trường; khoản chênh lệch tỷ giá đánh giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ chưa phân bổ, được xử lý theo cơ chế đặc thù hoặc theo đúng chế độ, chuẩn mực kế toán quy định.
Việc xây dựng giá điện của EVN phải theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, đảm bảo có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là đảm bảo thu hút đầu tư năng lượng điện gió, mặt trời và kiềm chế lạm phát.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra chiều nay (3/6), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện Chính phủ chưa có chủ trương xem xét điều chỉnh giá điện.
Theo nhận định của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mặt hàng điện cũng như xăng dầu không chỉ là đơn thuần là một loại hàng hóa mà còn có vai trò quan trọng, là yếu tố đầu vào của rất nhiều mặt hàng khác.
Giá điện và giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của mọi người dân.
“Cho nên, bất cứ một sự thay đổi nào, đặc biệt là tăng giá phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng”, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Vừa qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, khi có phương án đề xuất của EVN, Bộ Công Thương cần phối hợp và Bộ Tài chính cùng một số các đơn vị có liên quan xem xét hết sức kỹ lưỡng. Nếu vượt thẩm quyền trình Thủ tướng quyết định.
“Năm 2017, do sự phát triển của nền kinh tế có nhiều khó khăn, chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ chỉ đạo, đến giờ phút này, chưa xem xét đến vấn đề tăng giá điện”, ông Hải thông tin.
Đồng thời, đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, kể cả nếu có đề xuất tăng giá điện củ EVN thì Bộ Công Thương cũng sẽ xem xét hết sức kỹ lưỡng và đánh giá sự tăng giá của mặt hàng này đến từng mặt hàng và sự phát triển của nền kinh tế, kể cả GDP và chỉ số giá (CPI).
Một tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong trường hợp giá điện tăng 3% thì sẽ tác động làm CPI tăng 0,081%; tăng 5% làm CPI tăng 0,189% và tăng 7% cũng sẽ tác động làm CPI tăng 0,243%. Và nếu giá điện tăng 10% thì sẽ tác động làm CPI tăng 0,27% và song song với đó, GDP cũng giảm 0,43%.
Trong năm 2017, theo tính toán của EVN, tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu,…) là hơn 7.200 tỷ đồng. Trong đó, một yếu tố đầu vào rất quan trọng của sản xuất điện là giá than cho điện đã tăng thêm 7% từ 24/12/2016 sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỷ đồng.
Ngoài than, các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015 song chưa được đưa vào cân đối giá điện hiện hành bao gồm biến động tỷ giá, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng. Trong khi đó, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12 - 13%/năm nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn.
Lần điều chỉnh giá điện gần nhất là cách đây gần 2 năm, vào ngày 16/3/2015 - với mức giá bán lẻ bình quân được quyết định là 1.622,01 đồng/kWh, tăng thêm 7,5% so với thời điểm trước đó.
Trong khi đó, số liệu thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy, CPI tháng 5 đã giảm 0,53% so với háng 4/2017. CPI bình quân 5 tháng tăng 4,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân 4 tháng và quý I/2017.
Bích Diệp