1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phó Thủ tướng: Chưa tăng giá điện, yêu cầu giảm phí BOT

(Dân trí) - Bàn về công tác điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, giá xăng dầu, dịch vụ y tế phải tính toán lộ trình, liều lượng phù hợp; trước mắt chưa tính tới điều chỉnh giá điện; cố gắng giảm phí BOT ở 41 dự án đã quyết toán và giảm giá cước viễn thông.

Giá điện tăng 10% thì GDP giảm 0,43%

Chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra sáng nay (17/4), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo cho hay, đối với nhà đầu tư, có 3 chỉ số vĩ mô quan trọng nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tỷ giá và lãi suất.

Riêng đối với Việt Nam, CPI có ý nghĩa rất quan trọng và có những điểm khác so với các nước. Theo đó, việc kiểm soát lạm phát có tác động trực tiếp đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ cần tăng 1 điểm % CPI thì GDP sẽ giảm rất mạnh.

"Chẳng hạn, nếu giá điện tăng 10% thì sẽ tác động làm CPI tăng 0,27% và song song với đó, GDP cũng giảm 0,43%. Tác động là rất mạnh!", lãnh đạo Chính phủ lưu ý.

Phó Thủ tướng lưu ý với các bộ, ngành: Việc điều hành giá có ý nghĩa rất quan trọng trong hỗ trợ tăng trưởng GDP.
Phó Thủ tướng lưu ý với các bộ, ngành: Việc điều hành giá có ý nghĩa rất quan trọng trong hỗ trợ tăng trưởng GDP.

Một tính toán của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong trường hợp giá điện tăng 3% thì sẽ tác động làm CPI tăng 0,081%; tăng 5% làm CPI tăng 0,189% và tăng 7% cũng sẽ tác động làm CPI tăng 0,243%.

Phó Thủ tướng cho biết, quan điểm của Chính phủ, mặc dù áp lực tăng giá năm 2017 là khá lớn, song Chính phủ vẫn quyết tâm kiểm soát CPI bình quân năm 2017 không quá 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đặt ra, vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, vừa hỗ trợ cho tăng trưởng. Đặc biệt là hiện nay, tăng trưởng đang trong giai đoạn khó khăn. Trong quý I, tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,1% nên trách nhiệm đặt lên công tác điều hành những quý tới là rất nặng nề.

Do vậy, trong thời gian tới, mọi tính toán điều chỉnh giá dịch vụ công dù cần thực hiện theo tín hiệu thị trường nhưng phải đáp ứng được yêu cầu giữ lạm phát nằm trong khung mục tiêu 4%.

Báo cáo của nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá công bố tại cuộc họp cho thấy, với giả định các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, CPI bình quân năm 2017 sẽ tăng khoảng 3,62% so với năm 2016. So với cùng kỳ, chỉ số này sẽ có xu hướng giảm dần trong những tháng tiếp theo sau khi cán mức 4,3% vào tháng 4/2017 và sẽ giảm chỉ còn 1,91% so với cùng kỳ vào tháng 12.

Tuy nhiên, kịch bản này dựa trên giả định mặt bằng giá chung của năm 2017 sẽ không có biến động lớn, các chính sách về tài khóa, tiền tệ tương đối đồng đều như năm 2016, và cũng chưa tính đến các yếu tố bất thường về địa chính trị quốc tế và những biến động bất thường về giá cả tại thị trường trong nước.

Do đó, CPI thực tế có thể cao hơn mức dự báo tại kịch bản trên, nhưng sẽ không chênh lệch quá lớn. Kịch bản này cũng cho thấy, dư địa cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường là không còn nhiều.

Xăng dầu đứng trước áp lực tăng giá

Trong khi đó, áp lực tăng giá tại những mặt hàng như điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục... trong năm nay là không hề nhỏ. Cụ thể, theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế, thời gian tới, giá y tế tại 14 tỉnh sẽ tiếp tục phải điều chỉnh tăng.

Còn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng thì cho biết, thời điểm hiện tại, tất cả các tỉnh thành đã công bố mức học phí cho năm học 2017, mức tăng học phí từ mầm non đến phổ thông là 5%. Theo ông Hùng, đây là mức tăng hợp lý và vẫn đảm bảo được việc kiểm soát lạm phát. Việc điều chỉnh giá giáo dục, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, sẽ tác động làm tăng CPI thêm 0,3%.

Tuy nhiên, vị đại diện ngành giáo dục khẳng định với Phó Thủ tướng rằng, ngành này đã yêu cầu tất cả các cấp, địa phương giám sát, chỉ đạo không được tăng thêm bất cứ loại phí nào khác cũng như không thu thêm bất cứ khoản gì ngoài quy định.

Về các mặt hàng do ngành công thương quản lý, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa báo cáo, từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng dầu đã qua 7 đợt điều chỉnh giá. Tổng mức giảm là 865 đồng/lít và tăng 502 đồng/lít, nhìn chung giảm vẫn nhiều hơn tăng. Tuy nhiên, bà Thoa cho biết, xu thế bất ổn của thị trường Trung Đông có thể sẽ khiến giá xăng dầu tăng trở lại.

Vấn đề nằm ở chỗ, quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đang âm, chỉ có 3 đơn vị là Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro là "còn một ít". Dự kiến tới đây, giá xăng sẽ tăng giá và quỹ BOG cũng sẽ phải xây dựng lại từ đầu chứ không thể để đến cuối năm.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc điều hành giá phải nhịp nhàng, đi theo dấu hiệu thị trường nhưng có kiểm soát của Nhà nước, đảm bảo lạm phát bình quân cả năm 2017 không quá 4%
Phó Thủ tướng yêu cầu việc điều hành giá phải nhịp nhàng, đi theo dấu hiệu thị trường nhưng có kiểm soát của Nhà nước, đảm bảo lạm phát bình quân cả năm 2017 không quá 4%

Riêng giá điện, sau 2 năm "nằm im", hiện Bộ Công Thương đang dự thảo 4 phương án: Phương án một là giữ nguyên giá than; hai là giá than điều chỉnh theo hiệp thương lần 2, dự kiến tăng khoảng 2,5% đến 12%; ba là giá than như cũ cộng với tài chính đặc thù 5 năm; bốn là giá than theo thị trường. Bộ Công Thương đề xuất theo phương án 2, như vậy, giá điện tăng khoảng 6,5% và tác động đến CPI khoảng 0,15%.

Điểm tích cực là hiện tại, ở mặt hàng sữa trẻ em, đã có 2 đơn vị là CTCP Sóng Thần và Sữa Cô gái Hà Lan có thông báo giảm giá sữa từ 3-10%.

Phấn khởi trước diễn biến giá sữa có thể giảm, Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành công thương, trong việc tính toán tăng giá xăng dầu phù hợp với thị trường phải phù hợp với việc điều hành giá của các mặt hàng khác tại những lĩnh vực khác (y tế, giáo dục). Đồng thời, ngành công thương cũng cần xem xét lại tính cần thiết của quỹ BOG.

Còn về giá điện hiện nay chưa đề cập đến vấn đề điều chỉnh giá, EVN và Bộ Công Thương cần phải cập nhật các thông số đầu vào và khả năng cung cấp nguồn điện. Tuy nhiên, nhìn chung áp lực lên giá điện năm nay đã không còn căng thẳng như trước do đã hiệp thương được về giá than, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho thủy điện và vẫn chưa phải sử dụng điện chạy dầu.

Khuyến khích giảm phí BOT tại 41 trạm BOT

Về giao thông, theo báo cáo của Bộ Giao thông và vận tải (GTVT), đến nay, đã quyết toán được 41 dự án BOT đã hoàn thành, đang đưa vào sử dụng và thu phí; việc giảm phí BOT vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện song hiện chưa có con số cụ thể.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nếu giảm được phí BOT tại cả 41 dự án này thì sẽ tạo hiệu ứng rất tốt cho nền kinh tế. Do đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và nhà đầu tư tính toán lộ trình giảm phí, ưu tiên giảm mức phí thay vì giảm thời gian thu phí (tức giữ nguyên thời gian thu phí nhưng giảm mức phí tại từng trạm BOT). Trước đó, năm 2016, ngành giao thông đã giảm phí tại 31 trạm BOT.

Liên quan đến vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, theo nhận định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), điều quan trọng nhất là điều hành để đảm bảo được lãi suất cơ bản dưới 2% như chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao. Vừa qua xảy ra hiện tượng một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, đã được xử lý bằng các biện pháp nghiệp vụ cũng như biện pháp hành chính. Lãnh đạo ngành ngân hàng khẳng định, sẽ không để các ngân hàng thương mại có tâm lý lạm phát kỳ vọng mà tăng lãi suất lên.

Đại diện ngành ngân hàng cũng cho biết, để góp phần kiểm soát lạm phát, định hướng sẽ kiên quyết hạn chế tín dụng chảy vào bất động sản dù phía hiệp hội bất động sản liên tục có đề xuất. Đồng thời, để tạo dư địa cho tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác, ngành ngân hàng dự kiến sẽ chỉ sử dụng 62-63% của biên độ 2% được giao.

Nhìn chung Phó Thủ tướng cho rằng, một trong những nhiệm vụ lớn của công tác điều hành giá năm nay đó là phải hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng. Chính vì vậy, bên cạnh kiểm soát, tính toán được liều lượng, lộ trình hợp lý cho những mặt hàng buộc phải tăng giá do áp lực thị trường thì đồng thời cũng phải khuyến khích, tạo điều kiện giảm giá được những mặt hàng có thể giảm như giảm phí BOT, giảm giá cước viễn thông (sớm áp dụng mạng 4G), giảm giá sữa...

Riêng về chỉ số CPI tháng 4, theo Phó Thủ tướng, nếu không có điều chỉnh giá các mặt hàng có sự điều tiết của Nhà nước thì tương tự như tháng 3, CPI sẽ tăng trưởng âm. Đây là điều kiện thuận lợi để các cơ quan điều hành có thể tính toán để tăng giá một số mặt hàng theo lộ trình thị trường như xăng dầu, giá dịch vụ y tế... Song, lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, việc điều hành giá không được dồn dập một lúc tăng giá các mặt hàng, mà các ngành, các lĩnh vực phải phối hợp nhịp nhàng, đồng thời cũng không để "giật cục", tháng thì giảm phát, tháng thì lạm phát cao, đảm bảo cuối năm, CPI bình quân không quá 4%.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm