1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chỉ giảm thu hơn 1.900 tỷ đồng nếu hỗ trợ thuế cho hơn 300.000 doanh nghiệp

(Dân trí) - Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tương đương với hơn 300.000 DN được hưởng chính sách ưu đãi thuế TNDN khiến ngân sách Nhà nước giảm thu khoảng 1.920,5 tỷ đồng.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, chỉ các DN có lợi nhuận mới được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách hỗ trợ thuế TNDN.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, chỉ các DN có lợi nhuận mới được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách hỗ trợ thuế TNDN.

Hỗ trợ mặt bằng: Loại bỏ DNNVV có vốn nước ngoài và DNNN

Chiều nay (23/5), ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Theo đó, góp ý cho dự thảo, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, tính cụ thể và hiệu lực thi hành kịp thời của luật vì dự án luật giao Chính phủ quy định nhiều nội dung, đồng thời phải chờ sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan.

Về vấn đề này, ông Thanh cho hay, để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, dự thảo luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí DNNVV (giảm mức trần về số lao động, bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm xã hội - BHXH) sẽ thu hẹp đối tượng DNNVV được hỗ trợ theo Luật này.

Theo thống kê của BHXH năm 2015, trong khoảng 480.000 DN đang hoạt động và có đăng ký mã số thuế, chỉ có 199.500 DN tham gia BHXH, chiếm khoảng 42% tổng số DN. Theo UBTVQH, việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia BHXH không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn tạo cơ sở để DNNVV tuân thủ pháp luật về BHXH.

Một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định không hỗ trợ cho DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài, DNNVV có vốn Nhà nước.

Theo khẳng định của UBTVQH, đối với hỗ trợ chung, tất cả các DNNVV được hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện, riêng với hỗ trợ mặt bằng sản xuất là hỗ trợ có sử dụng nguồn lực trực tiếp và phải dựa trên điều kiện cân đối ngân sách của từng địa phương, do đó cần quy định hạn chế đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Dự thảo luật đã bổ sung quy định “DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài, DNNVV có vốn Nhà nước không được áp dụng hỗ trợ về mặt bằng sản xuất”. Như vậy vừa không vi phạm việc hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, các quy định của các cam kết quốc tế về phân biệt đối xử, vừa thu hẹp đối tượng áp dụng nhằm tập trung nguồn lực để chính quyền địa phương dành cho DNNVV tư nhân trên địa bàn.

Chỉ 50% DN được hưởng hỗ trợ về thuế TNDN

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ vốn cho các DNNVV, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật đã tiếp thu bỏ các quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, không phù hợp nguyên tắc thị trường.

Việc giảm mức thuế suất thuế TNDN với DNNVV được đánh giá là biện pháp hợp lý để nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DNNVV.
Việc giảm mức thuế suất thuế TNDN với DNNVV được đánh giá là biện pháp hợp lý để nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DNNVV.

Cụ thể là bỏ quy định về cung cấp khoản vay với lãi suất và thời hạn vay vốn phù hợp với khả năng thanh toán của DNNVV và tình hình tài chính của ngân hàng; điều chỉnh quy định trong từng thời kỳ, Chính phủ sử dụng NSNN thực hiện cấp bù lãi suất để hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định DNNVV được hỗ trợ thuế TNDN, như vậy, chỉ các DN có lợi nhuận mới được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này.

Ông Thanh cũng khẳng định, theo số liệu thống kê thực tế thì không phải toàn bộ DNNVV mà chỉ có khoảng 50% được hưởng chính sách này. Cụ thể, số lượng DN đang hoạt động và làm ăn có lãi chiếm khoảng 49,4% tổng số DN đang hoạt động, như vậy ước tính có khoảng 301.300 DN sẽ được hưởng lợi trực tiếp ngay từ các quy định này. Trong số các DN này có khoảng 4.160 DN vừa, 116.920 DN nhỏ và 173.271 DN siêu nhỏ.

UBTVQH cho rằng, từ góc độ phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, việc giảm mức thuế suất thuế TNDN với DNNVV là biện pháp hợp lý để nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DNNVV và qua đó nâng cao tính bền vững và mức thu của nguồn thu thuế TNDN trong dài hạn.

Tuy dự thảo luật không quy định cụ thể mức giảm so với mức thuế suất thuế TNDN hiện hành, nhưng trên cơ sở tính toán giả định về mức giảm đối với với DN vừa là 1%, DN nhỏ là 2% và DN siêu nhỏ là 3% so với mức thuế suất TNDN hiện hành, dự kiến NSNN sẽ giảm thu khoảng 1.920,5 tỷ đồng (giảm thu từ khối các DN vừa khoảng 103 tỷ đồng, DN nhỏ khoảng 1.314 tỷ đồng và DN siêu nhỏ khoảng 502 tỷ đồng).

Một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Pháp… việc giảm thuế TNDN cho DNNVV cũng được áp dụng.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm