Chỉ có 9% doanh nghiệp Việt có chứng chỉ chất lượng quốc tế
(Dân trí) - Đây là dẫn chứng của ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tại Hà Nội.
Theo ông Ousmane Dione, gần đây Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất, điểm đến DN FDI, Việt Nam là nền kinh tế nhận được FDI nhiều và là các dự án có sử dụng lao động lớn. Các doanh nghiệp FDI không chỉ tăng vốn mà còn tạo hàng triệu việc làm trực tiếp, gián tiếp, mang đến xuất khẩu quan trọng.
Tuy nhiên, ông Ousmane cho rằng: Việt Nam mới chỉ tham gia chuỗi sản xuất của thế giới, chưa sâu, nên chưa gặt hái lợi ích mở cửa với bên ngoài cho doanh nghiệp nội.
"Những gì tôi và quý vị thấy cán cân xuất nhập khẩu chủ yếu thuộc về FDI, 70% giá trị thương mại trong hoạt động xuất khẩu thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, thâm hụt thương mại hiện nay thuộc về khu vực doanh nghiệp trong nước", ông nói.
Đáng lo hơn, theo ông Ousmane Dione, tỷ trọng giá trị nội địa của Việt Nam hiện đã giảm theo thời gian, đóng góp của Việt Nam thấp trong các sản phẩm xuất khẩu cao, giá trị nội địa sản phẩm điện tử chỉ chiếm 40%, còn lại 60% là nguyên liệu nhập khẩu.
Giai đoạn 2010 - 2016 giá trị nội địa trong hàng xuất khẩu có độ tinh xảo cao tại Việt Nam cũng giảm. Điều này thực chất Việt Nam vẫn lắp ráp, sử dụng nhiều lao động, giá trị thấp.
Nguyên nhân của tình trạng này cho thấy Việt Nam thiếu nhà cung cấp trong nước có chất lượng tốt. Hiện chỉ có 9% doanh nghiệp trong nước có chứng chỉ quốc tế về chất lượng.
Theo ông Ousmane Dione, ở thời buổi Cách mạng 3.0 giá trị gia tăng trên thế giới hầu hết tạo ra là ở phần thượng nguồn như nghiên cứu chế tạo (R&D), quản trị vòng đời sản phẩm gắn với đổi mới ứng dụng, tiếp sau đó mới là các giá trị ở hạ lưu như marketing và giao kết dịch vụ thương mại.
Còn đối với Cách mạng 4.0 nó sẽ thay đổi nhanh chóng, R&D chỉ một vài nước có được, còn các giá trị thương mại, dịch vụ sẽ được nhiều nước tận dụng và tạo giá trị.
Hiện nay Việt Nam mới chỉ tham gia vào lắp ráp cơ bản, có nghĩa Viêt Nam đang tham gia giá trị ngày càng thấp. Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo, trong thời gian tới bất kỳ việc gia tăng đầu tư nào thì cũng nên đầu tư đồng bộ cả vào thượng nguồn và hạ nguồn.
"Chúng ta cần đầu tư tạo dựng giá trị cho nền kinh tế ở tiền sản xuất và hậu sản xuất, ví dụ dẫn chứng hiện nay là Samsung Việt Nam đang tiếp tục đầu tư vào R&D ở Hà Nội và TP.HCM, điểm tích cực đối với chu trình chuỗi giá trị Việt Nam", Giám đốc WB tại Việt Nam nói.
Trong 6 khuyến nghị dành cho Việt Nam, ông Ousmane Dione đề nghị các ngành chức năng Việt Nam nâng cao giá trị doanh nghiệp trong nước để kết nối, tận dụng hợp tác với FDI và chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết kinh tế, bao gồm các lĩnh vực dịch vụ và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Việt Nam cần thu hút nhà đầu tư thành đối tác chính để đưa ra hướng dẫn chỉ đạo, tiếp thị cần thiết cho nền kinh tế với bên ngoài.
An Linh