Kỳ tích tăng trưởng của Việt Nam liệu có thể trở lại trong năm 2019?

(Dân trí) - Sau khi khối tư nhân đã hoàn tất giai đoạn “lấy đà”, mục tiêu 6,8% dù có hay không cũng không còn quan trọng, chuyên gia SSI nhận xét. Tăng trưởng khi đó sẽ đến từ khát vọng và nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp cùng với sự giúp sức (thay vì đặt mục tiêu) của các cơ quan Nhà nước.

Mất 11 năm để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7%

Trong báo cáo vĩ mô vừa phát hành, chuyên gia phân tích của SSI Retail Research đánh giá, trong quý IV/2018, tình hình tăng trưởng kinh tế đã cải thiện với nhiều bất ngờ.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý IV/2018 đạt 7,31%, cao nhất 3 quý, kéo tăng trưởng chung của cả năm lên 7,08%, cao hơn đáng kể mục tiêu 6,6%-6,8% và là mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng 2008.

Như vậy là phải mất tới 11 năm, Việt Nam mới có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7%, dù đây chưa phải là con số thực sự ấn tượng nếu so với chính Việt Nam trong các năm 2003-2005 và so với tốc độ tăng trưởng trên 10% của các quốc gia Châu Á trong giai đoạn chuẩn bị “hóa rồng”.

Kỳ tích tăng trưởng của Việt Nam liệu có thể trở lại trong năm 2019? - Ảnh 1.

Sự kiện nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất là một may mắn với nền kinh tế năm 2018

Theo nhận xét của SSI, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính dù ghi nhận sự giảm sút của lĩnh vực sụt giảm điện thoại.

Việc Samsung giảm sản lượng đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP quý II và quý III/2018. Tuy vậy khác với năm 2016 và 2017 khi sản xuất điện tử chi phối gần như hoàn toàn tăng trưởng công nghiệp, năm 2018 đã xuất hiện nhiều ngành sản xuất tăng trưởng cao bù đắp một phần cho sự sụt giảm của Samsung.

Theo đó, sự kiện nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất từ tháng 6/2018 có thể coi là một “may mắn” của năm 2018 bởi theo kế hoạch nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có thể vận hành thương mại từ giữa năm 2017. Nhờ đó, đưa tăng trưởng của sản xuất dầu mỏ tinh chế tăng mạnh 65,5%.

Câu chuyện lọc hóa dầu Nghi Sơn gợi lại trường hợp của Formosa năm 2017 khi nhà máy này hoạt động cũng đã mang lại tăng trưởng đột biến cho ngành sản xuất kim loại, từ đó kéo ngành công nghiệp nói chung.

Tuy nhiên, theo SSI, sự sụt giảm của lĩnh vực điện tử, điện thoại vẫn sẽ là rủi ro chính cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Nhập khẩu linh kiện điện thoại tháng 12/2018 giảm 15,2% so cùng kỳ đã báo trước một chu kỳ sản xuất kém tích cực đầu năm 2019.

Bù đắp một phần cho sự giảm sút này, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ hoạt động cả năm 2019, do đó nửa đầu năm 2019 ngành dầu mỏ tinh chế sẽ có tăng trưởng tương tự nửa cuối năm 2018. Một số nhà máy sản xuất kim loại và xe có động cơ quy mô lớn của các doanh nghiệp Việt Nam khánh thành trong nửa cuối năm cũng hứa hẹn sẽ mang lại tăng trưởng cao.

Còn nhiều trở ngại trong năm 2019

Nhìn lại năm 2018, SSI cho rằng, dù còn nhiều số liệu gây băn khoăn nhưng có thể thấy một sự thay đổi khá rõ ở các động lực tăng trưởng, kết quả của những dịch chuyển chính sách hợp lý và kịp thời.

Với 2 năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 7%, có thể nói những vấn đề nảy sinh trước và trong giai đoạn khủng hoảng 2008 -2010 đã cơ bản được giải quyết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ và tài khóa.

“Với những bài học đắt giá được rút ra từ khủng hoảng, chúng ta có thể tự tin hơn vào tính chuẩn xác của các chính sách này trong tương lai. Đây là nhân tố quan trọng tạo nền tảng vững chắc để các chính sách khác như phát triển kinh tế tư nhân giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc”, chuyên gia SSI nhận định.

Nhìn sang năm 2019, rủi ro tăng trưởng toàn cầu chậm lại và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng rõ hơn đến Việt Nam. Những ảnh hưởng này sẽ rất đa chiều và phụ thuộc vào nhiều biến số khó đong đếm và dự báo chính xác.

Ở phía tích cực, rõ nhất là xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, mang lại cơ hội cho thu hút FDI. Ở phía tiêu cực, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc sẽ còn giảm khi kinh tế của nước này tăng trưởng chậm lại. Sản xuất điện thoại giảm cũng sẽ gây ra một số khó khăn cho giai đoạn đầu năm.

SSI nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,6%-6,8% đặt ra cho 2019 có phần khiêm tốn so với kết quả 7,08% của 2018, nhưng đây là một mục tiêu hợp lý. Trong bối cảnh còn nhiều trở ngại cho kinh tế Việt Nam, một mục tiêu vừa phải để duy trì ổn định và tiếp tục củng cố nội lực là cần thiết.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tăng trưởng tín dụng thận trọng, gia tăng dự trữ ngoại hối, thu hẹp thâm hụt ngân sách vẫn cần phải chú trọng bởi những “cơn sốt” của quá khứ vẫn chưa nguội hết.

Sau khi khối tư nhân đã hoàn tất giai đoạn “lấy đà”, mục tiêu 6,8% dù có hay không cũng không còn quan trọng. Tăng trưởng khi đó sẽ đến từ khát vọng và nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp cùng với sự giúp sức (thay vì đặt mục tiêu) của các cơ quan Nhà nước – chuyên gia SSI kết luận.

Mai Chi

Kỳ tích tăng trưởng của Việt Nam liệu có thể trở lại trong năm 2019? - Ảnh 2.