1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Chậc lưỡi” cho qua khi gửi xe bị “chém đẹp”

(Dân trí) - Trong vụ việc bị thu phí cao tại bãi gửi xe, giá trị tranh chấp đối với một người tiêu dùng có thể nhỏ, nhưng doanh nghiệp kinh doanh có thể thu lợi lớn trên nhiều người tiêu dùng. Trên thực tế, nhiều người gửi xe đành "chậc lưỡi" cho qua dù biết đang bị "chém đẹp".

Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian gần đây, tình trạng thu phí quá cao tại các bãi gửi xe đang ngày càng trở nên phổ biến, gây ra tâm lý bức xúc và tổn hại về tài chính cho người tiêu dùng.

​Theo đó, tình trạng này diễn ra tràn lan và phức tạp tại rất nhiều bãi gửi xe ở bệnh viện, chợ, siêu thị, văn phòng làm việc, trung tâm đào tạo, trường học... bất chấp đã có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về mức giá trông giữ các loại xe.

trong-xe-1441718349683
Khi gửi xe, đặc biệt là bên ngoài các trung tâm thương mại, người tiêu dùng phải trả mức phí cao gấp nhiều lần so với quy định (ảnh minh họa)

Trên thực tế, tại mỗi tỉnh, thành trên cả nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành đó đều có văn bản pháp luật quy định về việc thu phí gửi xe khác nhau, các văn bản đều có chung một điểm về việc niêm yết giá vé gửi xe.

Riêng tại Hà Nội, UBND thành phố đã có Quyết định vào ngày 20/8/2014 về việc thu phí trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện), xe máy, xe ô tô trên địa bàn, trong đó quy định cụ thể về việc niêm yết giá vé.

Với quyết định này, giá vé gửi xe ban ngày đối với xe máy tại các chợ, trường học, bênh viện là 2.000 đồng, ban đêm là 3.000 đồng, cả ngày và đêm là 4.000 đồng và theo tháng là 50.000 đồng. Trong khi đó, mức thu phí gửi xe ô tô đắt nhất ở Hà Nội (loại xe dưới 10 chỗ và xe tải từ 2 tấn trở xuống) chỉ ở mức 40.000 đồng/lượt và mức phổ biến là 25.000 đồng.

Những loại xe từ 10 chỗ trở lên và xe tải trên 2 tấn có mức phí gửi cao hơn, phổ biến ở mức 30.000 đồng và đắt đỏ hơn tại những tuyến phố cần hạn chế dừng, đỗ xe tại địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa là 50.000 đồng/lượt.

Như vậy, trong trường hợp gửi xe mà bị thu phí quá cao so với giá niêm yết, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.

“Trước tiên, hãy yêu cầu người trông/giữ xe giải thích nguyên nhân việc thu phí cao hơn giá niêm yết, và yêu cầu cung cấp thông tin về chủ bãi giữ xe cũng như cơ quan quản lý bãi giữ xe. Trong trường hợp người giữ xe bất hợp tác, phản kháng hoặc có thái độ gây gổ, hãy giữ lại vé gửi xe hoặc chụp lại bảng giá niêm yết như một bằng chứng để phục vụ cho việc phản ánh/khiếu nại sau này”, Cục Quản lý Cạnh tranh khuyến nghị.

Theo nhìn nhận của cơ quan chức năng, trông giữ xe là một loại hình dịch vụ khá đặc biệt so với các loại dịch vụ khác, tuy nhiên, chính tính chất đặc biệt này cũng gây ra không ít phiền toái cho người tiêu dùng. Trong đó, người tiêu dùng thường xuyên ở thế bị động khi lựa chọn bãi trông, giữ xe; thường xuyên bị thu phí cao hơn giá niêm yết; không biết nơi để phản ánh/khiếu nại; giá trị tranh chấp nhỏ nên ngại khiếu nại/thường bỏ qua mặc dù vẫn mang tâm lý bức xúc.

Trong vụ việc bị thu phí cao tại bãi gửi xe, giá trị tranh chấp đối với một người tiêu dùng có thể nhỏ, nhưng doanh nghiệp kinh doanh bãi gửi xe có thể thu lợi lớn trên nhiều người tiêu dùng. Trên thực tế, nhiều người gửi xe đành "chậc lưỡi" cho qua dù biết mình đang bị "chém đẹp".

Vì vậy, Cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng, người tiêu dùng cần phải hành động để doanh nghiệp ngừng việc thu lợi bất chính; bảo vệ quyền lợi cho chính mình và bảo đảm một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Bích Diệp

 

“Chậc lưỡi” cho qua khi gửi xe bị “chém đẹp” - 2