Cấp thiết lập đường dây nóng ở sân bay
Hành khách đi máy bay than phiền không ngớt về chất lượng dịch vụ hàng không, từ dịch vụ mặt đất đến tác nghiệp của nhân viên phi hành đoàn trên khoang.
Vấn đề nóng nhất của ngành hàng không hiện nay không phải ở việc đảm bảo an ninh, an toàn - tiêu chí hàng đầu của ngành - mà là giá dịch vụ ăn uống ở sân bay và chăm sóc, bồi thường cho hành khách khi hoãn, hủy chuyến.
Có thể xem lại khung giá bồi thường
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết cục đang gỡ từng nút thắt để nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng. Trước hết, Cục Hàng không yêu cầu các cảng vụ hàng không 3 miền phải thiết lập đường dây nóng tại mỗi sân bay, thông báo rộng rãi để hành khách biết và gọi phản ánh khi chuyến bay có vấn đề phát sinh, nhất là hoãn, hủy chuyến.
Đây là lần đầu tiên các sân bay được chỉ đạo thiết lập đường dây nóng phục vụ trực tiếp quyền lợi của hành khách để khi có vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, họ có thể khiếu nại ngay đến người có trách nhiệm. Sở dĩ việc trực đường dây nóng được giao cho cảng vụ vì đây là bộ phận đại diện của cơ quan quản lý nhà nước ở sân bay, có trách nhiệm giải quyết ngay vụ việc tại chỗ.
Một lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết từ trước đến nay, sân bay chỉ có đường dây nóng nội bộ để phục vụ các trường hợp khẩn nguy hoặc điều phối giữa các bộ phận. Cảng vụ không đứng ra trực tiếp giải quyết với hành khách trong các trường hợp hoãn, hủy chuyến.
Theo chỉ đạo mới nhất, khi chậm hoặc hủy chuyến, cảng vụ phải là đầu mối cử người đến kiểm tra, giám sát xem hãng hàng không có thực hiện đúng Thông tư 26/2009 hay không. Theo thông tư này, nếu chậm từ 2 giờ, hãng phải phục vụ đồ uống, chậm từ 3 giờ phải phục vụ ăn, uống. Nếu chậm từ 6 giờ, hãng hàng không phải bố trí nơi nghỉ và hoãn hủy chuyến qua đêm thì đưa đón khách về khách sạn. Thế nhưng, hãng hàng không được miễn bồi thường chậm, hủy chuyến vì lý do bất khả kháng như điều kiện thời tiết, nguy cơ an ninh, sự cố kỹ thuật.
Hãng hàng không cũng phải trả một khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách theo quy định ngay tại sân bay. Mức bồi thường khi chậm, hủy chuyến trên đường bay nội địa là 100.000 - 300.000 đồng tùy độ dài đường bay. Với chuyến bay quốc tế, mức bồi thường cao nhất cho chặng bay có độ dài trên 5.000 km là 150 USD.
Vừa qua, một số hành khách đã rất bức xúc và dọa kiện một hãng hàng không ra tòa khi liên tục bị thông báo hoãn chuyến mà chỉ được nhận bồi thường 200.000 đồng. Ông Lại Xuân Thanh cho biết chưa có căn cứ xác định khung giá bồi thường hiện nay là cao hay thấp nhưng quy định này đã áp dụng 5 năm, cũng có thể phải xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất không phải là mức bồi thường bao nhiêu mà là trách nhiệm thực thi của các hãng hàng không như thế nào.
"Hành khách phản ánh khi hoãn, hủy chuyến không thấy đại diện hãng đứng ra giải thích, chăm lo chứ không phải vì mức bồi thường cao hay thấp" - ông Thanh nói. Cục Hàng không cũng yêu cầu khi chậm giờ, hãng hàng không phải thông báo cho hành khách về tình trạng chuyến bay với tần suất 15 phút/lần trên hệ thống phát thanh sân bay.
Giá mặt đất đắt hơn trên trời
Đối mặt với việc quá tải hạ tầng sân bay và tăng trưởng vận tải nhanh, hành khách đi máy bay đang than phiền không ngớt về chất lượng dịch vụ hàng không, từ dịch vụ mặt đất đến tác nghiệp của nhân viên phi hành đoàn trên khoang.
Nghịch lý này đang tồn tại trong ngành hàng không. Giá bán một bát mì ăn liền "không người lái" ở khu vực cách ly sân bay quốc tế Nội Bài là 40.000 - 50.000 đồng, trong khi giá trên các chuyến bay của hãng giá rẻ là 30.000 đồng. Phó tổng giám đốc một hãng hàng không giá rẻ băn khoăn: "Giá suất ăn trên máy bay nếu tính chi li sẽ bao gồm cả chi phí nhiên liệu, chi phí thuê/mua máy bay, chi phí cân bằng trọng tải máy bay nhưng vẫn không đắt bằng giá suất ăn tương đương dưới mặt đất chứng tỏ họ kinh doanh siêu lợi nhuận".
Đáng lưu ý là sản phẩm tại nhà hàng ăn uống, cửa hàng bách hóa, đồ lưu niệm tại sân bay không phải độc quyền, được cung cấp bởi nhiều đơn vị thuộc Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (NASCO) và Tổng Công ty Cảng Hàng không nhưng nhiều mặt hàng có giá cao bất thường. Rất có thể đây là một dấu hiệu bắt tay định giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Do mặt bằng nhà ga hành khách hẹp, các quầy ăn uống cũng bố trí san sát nhau, sản phẩm dịch vụ cung cấp còn khá đơn điệu.
Trước những bức xúc của dư luận, Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan để chấn chỉnh giá bán các dịch vụ thiết yếu tại sân bay. Sau nhiều cuộc họp, cửa hàng giải khát và ăn nhanh nội địa của Xí nghiệp Thương mại hàng không Nội Bài (thuộc NASCO) đã giảm một nửa giá mì, xuống còn 20.000 đồng/bát. Các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng tổ chức hiệp thương để thống nhất giá bán một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu cho hành khách tại sân bay như suất ăn, nước uống… và thực hiện niêm yết giá bán công khai.
Lấy hành lý lâu hơn đi máy bay
Tại cuộc làm việc với Cục Hàng không và các đơn vị liên quan về chất lượng dịch vụ hàng không mới đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu không để tái diễn tình trạng hành khách bay hơn 1.000 km mất 1 giờ 45 phút nhưng chờ 2 giờ mới lấy được hành lý do trục trặc băng chuyền. Theo phản ánh của các hãng hàng không, thời gian trả hành lý của các chuyến bay quốc tế lên đến 45 phút là quá dài. Thậm chí, tại sân bay Cam Ranh còn xảy ra tình trạng trả hành lý nhầm lẫn giữa các hãng hàng không. |
Theo Tô Hà
NLĐ